Giá dầu tiếp tục giảm do lo ngại về triển vọng cắt giảm sản lượng
Giá dầu lại giảm vào ngày thứ Hai 27/3, sau khi giới đầu tư vẫn hoài nghi liệu OPEC có thể gia hạn thỏa thuận cắt giảm tới cuối năm nay hay không, dù rằng vào hôm Chủ nhật trước đó, bộ trưởng các nước trong và ngoài OPEC đã đồng ý xem xét việc kéo dài thỏa thuận.
Giá dầu WTI giao tháng 5 giảm 24 xu, hay 0,5% xuống mức 47,73USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 5 giảm 5 xu hay 0,1%, xuống mức 50,75USD/thùng.
Giá dầu đã giảm mạnh kể từ giữa tháng 3, sau khi các thông tin cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ cao hơn nhiều so với dự đoán, dẫn đến đà bán tháo của nhóm nhà đầu cơ vốn đã nắm giữ trạng thái mua ròng kỉ lục trên thị trường dầu tương lai.
Tuần trước, dữ liệu trên sàn giao dịch tương lai cho thấy các nhà đầu cơ vẫn tiếp tục đóng trạng thái mua sau khi tồn kho dầu thô tại Mỹ đã tăng lên gần bằng với khối lượng cắt giảm của các nước OPEC. Trạng thái mua vào ngày thứ Ba tuần trước (21/3) ở mức thấp nhất kể từ tháng 12.
Bộ trưởng các nước sản xuất dầu trong và ngoài OPEC đã gặp nhau ở Kuwait nhằm đánh giá tiến trình của việc cắt giảm sản lượng.
Theo Michael Train, giám đốc chiến lược năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets, thì: “Nếu chúng ta chú ý thì hơn 2 tuần qua thị trường đã đi vào chu kì giảm, sau khi đi ngang từ đầu năm”.
Chênh lệch giá dầu WTI (tại Mỹ) và giá dầu Brent đã lên mức 2,9USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2015. Điều này có thể khiến nhà sản xuất dầu tại Mỹ tăng xuất khẩu ra thế giới, nhằm tận dụng lợi thế giá rẻ, và kéo giảm tồn kho tại quốc gia này.
Trong khi nhiều nước trong OPEC sẵn sàng gia hạn thỏa thuận cắt giảm, thì Nga lại chưa thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề này. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết vào hôm chủ nhật rằng, còn quá sớm để nói về việc gia hạn thỏa thuận này. Một số nhà phân tích tại Goldman Sachs cho rằng rằng số liệu tồn kho tại Mỹ có thể không phản ánh đúng tình trạng cung cầu dầu trên toàn thế giới: “Chúng tôi tin rằng nỗ lực cân bằng thị trường dầu trên toàn thế giới đang tiến triển tốt, và việc gia hạn cắt giảm sản lượng có thể là không cần thiết”.
Bá Ước
Nguồn Reuters