Thứ Tư | 04/05/2016 06:14

Giá dầu tiếp tục giảm do đồn đoán dầu lưu kho Mỹ tăng mạnh

Giá dầu ngày 3/5 giảm phiên thứ 3 liên tiếp trước đồn đoán lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần qua lập kỷ lục mới.

Bên cạnh đó, lo ngại nhu cầu của Trung Quốc giảm và nguồn cung dầu toàn cầu tăng lên cũng gây áp lực lên giá dầu.

Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 6/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,13 USD, tương ứng 2,5%, xuống 43,65 USD/thùng.

Giá dầu Brent giao tháng 7/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 86 cent, tương đương 1,9%, xuống 44,97 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm hơn 5% kể từ đạt mức đỉnh của năm 2016 hồi tuần trước khi giới đầu tư đặt câu hỏi liệu đà tăng vừa qua có đi quá xa và quá nhanh.

Giá dầu lên cao nhất 5 tháng trong những tuần gần đây do sự gián đoạn nguồn cung tại một số khu vực và đồn đoán sản lượng dầu thô của Mỹ giảm. Tuy nhiên, số liệu về sản lượng và lượng dầu lưu kho cho thấy, sản lượng dầu thô của các nước sản xuất vẫn ở mức cao, xua tan hy vọng của giới đầu tư rằng tình trạng thừa cung toàn cầu bắt đầu giảm. Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng nếu giá dầu tiếp tục tăng, các nhà sản xuất tại Mỹ có thể sẽ tăng cường các hoạt động thăm dò và khai thác, làm trầm trọng thêm tình trạng thừa cung.

Lượng dầu lưu kho toàn cầu tiếp tục đứng ở mức cao với lượng dầu lưu kho của Mỹ đang ở mức cao nhất 80 năm qua. Thứ Tư 4/5, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu về lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 29/4.

Các nhà phân tích trong khảo sát Wall Street Journal dự đoán lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua tăng 1,2 triệu thùng, lập kỷ lục mới, trong khi nguồn cung xăng giảm và dự trữ sản phẩm chưng cất không đổi.

Trong khi đó, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) hôm thứ Ba cho biết, theo số liệu của Viện, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 29/4 tăng 1,3 triệu thùng, nguồn cung xăng giảm 1,2 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 2,6 triệu thùng.

Trong một diễn biến khác, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 4/2016 do Caxin Media và Markit Economics công bố tiếp tục giảm, ghi nhận 14 tháng giảm liên tiếp.

Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ, và lo ngại tăng trường kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể kéo giảm nhu cầu dầu thô - từng khiến giá dầu rơi xuống mức thấp nhất 13 năm hồi đầu năm nay.

Ngoài ra, thị trường cũng tỏ ra lo ngại về tình trạng thừa cung khi các nhà phân tích dự đoán sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 4 tăng lên và Nga công bố sản lượng dầu thô của nước này trong tháng 4/2016 đạt 10,84 triệu thùng/ngày, sát mức kỷ lục 30 năm ở 10,91 triệu thùng ghi nhận hồi tháng 3.

Giá dầu cũng chịu áp lực khi USD hồi phục. Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, tăng 0,8% lên 85,29 điểm, khi USD tăng giá so với euro, đôla Úc và các đồng tiền thị trường mới nổi.

Phan Nguyễn

Nguồn WSJ