Bloomberg
Giá dầu tăng, hàng không âu lo
Chờ những cam kết cắt giảm sản lượng của tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa thế giới (OPEC) cũng như nền kinh tế toàn cầu phục hồi khả quan hơn, giá dầu thô WTI tính đến tháng 11 đã tăng khá ấn tượng từ mức trung bình 43 USD/thùng năm ngoái lên mức 56,57 USD/thùng. Giá dầu tăng mang lại sự hứng khởi cho các tập đoàn lọc hóa dầu, nhưng ngược lại cũng có những đơn vị lo âu, trong đó có các hãng hàng không ở châu Á.
Nỗi lo chi phí tăng
Đi cùng với đà tăng của giá dầu thô, giá xăng dành riêng cho các hãng hàng không đã tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí nhiên liệu thông thường chiếm trung bình khoảng 30% tổng chi phí hoạt động của các hãng hàng không nên chắc chắn sẽ tác động lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. “Giá nhiên liệu tăng 1% có thể khiến cho lợi nhuận ròng của các hãng hàng không châu Á giảm trung bình 2,6%”, Crucial Perspective nhận định.
Hiện khá nhiều hãng hàng không trong khu vực không thực hiện chiến lược phòng vệ (hedging) giá nhiên liệu khiến nguy cơ đối mặt với lợi nhuận sụt giảm càng tăng thêm. Nghiên cứu của Crucial Perspective cho thấy các hãng chịu tác động nhiều nhất khi giá nhiên liệu biến động là Asiana Airlines, China Airlines, Jet Airways, Philippine Airlines và Vietnam Airlines (Việt Nam) do hệ số tương quan của lợi nhuận ròng với mức biến động của giá xăng dầu là lớn hơn các hãng hàng không khác.
Trên thực tế, lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần tăng 16% nhưng do chi phí tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế sụt giảm đến 11% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2.256 tỉ đồng.
Ở chiều ngược lại, các hãng hàng không ít chịu tác động nhiều nhất từ giá nhiên liệu thay đổi là Qantas Airways, VAH Holdings, Air New Zealand và Japan Airlines nhờ sử dụng tốt công cụ hedging giá nhiên liệu. Một hãng hàng không khác của Việt Nam là VietJet Air được đánh giá là nằm trong số các hãng chống chịu tốt với giá nhiên liệu tăng, cùng với hãng hàng không Air Asia nhờ đội tàu bay trẻ tuổi, tiết kiệm nhiên liệu hơn so với các đối thủ. Nhưng khá thú vị là hiện cả Vietnam Airlines lẫn VietJet Air đều không sử dụng công cụ hedging đối với khoản chi phí dành cho nhiên liệu.
Lợi ích và rủi ro của hedging
Phân tích của hãng tư vấn Crucial Perspective là một trong những chỉ dẫn đáng lưu ý cho các nhà đầu tư trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng mạnh, nhưng kết quả kinh doanh của các hãng hàng không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt nếu hoạt động tại các thị trường mới nổi, nơi tăng trưởng về sản lượng hành khách cũng như không gian tăng vé đủ bù đắp cho mức tăng về chi phí hoạt động. Việt Nam tất nhiên là một trong những thị trường được đánh giá cao nhất hiện nay trong khu vực.
Dù vậy, sự cẩn trọng hơn vẫn là thái độ nên có. Theo tính toán của Deutsche Bank, xăng cho các hãng hàng không sẽ đạt đến 91 USD/thùng trong năm nay, và lần lượt tăng lên 100USD, 105USD trong 2 năm kế tiếp. Chi phí nhiên liệu tăng quá mạnh có thể sẽ buộc các hãng hàng không nghiên cứu sử dụng nhiều hơn các công cụ tài chính để đề phòng rủi ro giá nhiên liệu và tỉ giá biến động.
Thêm vào đó, nhà đầu tư mua cổ phiếu của các hãng hàng không cũng cảm thấy yên tâm hơn nếu các hãng có chính sách phòng vệ nhiên liệu rõ ràng, bởi 90% giá cổ phiếu các hãng hàng không trong giai đoạn 2012-2017 được ghi nhận biến động ngược chiều với biến động giá xăng dầu.
Nhưng cũng cần lưu ý, hedging không phải là công cụ dễ sử dụng, nhất là trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tiếp tục biến động khó lường. Mặc dù xu thế tăng của giá dầu được xem là khá chắc chắn, nhưng nếu các quốc gia trong khối OPEC không tiếp tục đạt được sự đồng thuận về cắt giảm sản xuất, cũng như sản lượng dầu đá phiến của Mỹ gia tăng mạnh thì nguy cơ giá dầu đảo chiều có thể xảy ra.
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ bài học kinh điển của Jetstar Pacific khi chịu khoản lỗ đến 31 triệu USD năm 2009, do chốt hợp đồng hedging nhiên liệu sai thời điểm. Trong năm 2008, giá xăng dầu thế giới tăng liên tục và đạt đỉnh 145 USD/thùng vào giữa năm.
Thế nhưng, sau đó giá sụt giảm mạnh do khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, khiến nhu cầu tiêu thụ dầu thô cũng như nhiều loại hàng hóa đi xuống. Đến cuối năm 2008, giá dầu chỉ còn 44 USD/thùng và đến tháng 2.2009 chỉ còn gần 30 USD/thùng. Trong khi hợp đồng hedging của Jetstar Pacific lại kéo dài tới tận tháng 5.2009, gây thua lỗ lớn cho hãng hàng không này.
Rõ ràng, hedging là công cụ hữu ích cho các hãng hàng không để phòng vệ rủi ro, nhưng quan trọng hơn là mỗi doanh nghiệp cần đề ra chính sách sử dụng công cụ này sao cho hợp lý, đồng thời cần có đội ngũ các chuyên gia am hiểm về tài chính, sử dụng thành thạo công cụ này cũng như xây dựng được các mô hình dự báo có độ chính xác cao.