Giá dầu tăng do lo ngại đình công tại Na Uy
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 8/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,52 USD, tương ứng 3,3%, lên 47,85 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 8/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,42 USD, tương đương 3%, lên 48,58 USD/thùng.
Giá dầu liên tục tăng kể từ quý I/2016 do dự đoán thừa cung toàn cầu sẽ giảm vì sản lượng tại một số khu vực trên thế giới giảm và nhu cầu tiếp tục tăng. Nhưng bất ổn và biến động tài chính trên thị trường chứng khoán sau quyết định rời khỏi EU của người dân Anh trong cuộc bỏ phiếu hôm 23/6 có thể ảnh hưởng xấu đến đà tăng này, theo các nhà phân tích.
7.500 công nhân dầu khí Na Uy có thể tham gia cuộc đình công bắt đầu vào thứ Bảy tuần này nhằm yêu cầu thỏa thuận lương mói trước nửa đêm ngày 1/7, kìm hãm hoạt động sản xuất tại một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn của châu Âu.
Sản lượng dầu thô của Na Uy trong tháng 5/2016 đạt 1,96 triệu thùng/ngày, tương đương 2,1% tổng sản lượng toàn cầu, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Giới đầu tư cũng đang theo dõi số liệu về lượng dầu lưu kho của Mỹ, do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào thứ Tư 29/6. Các nhà phân tích trong khảo sát Wall Street Journal dự đoán lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua giảm 2 triệu thùng.
Chiều muộn hôm thứ Ba 28/6, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết, theo số liệu của Viện, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 24/6 giảm 3,9 triệu thùng, nguồn cung sản phẩm chưng cất giảm 800.000 thùng và dự trữ xăng giảm 400.000 thùng.
Giá dầu đã hồi phục sau đợt bán tháo 2 ngày liên tiếp khi người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU (Brexit), dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế châu Âu sẽ chậm lại và đẩy tăng USD.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để nói liệu Brexit có ảnh hưởng ra sao đến cung-cầu dầu thô toàn cầu. Kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm lại có thể kéo giảm nhu cầu, nhưng đầu tư vào hoạt động khoan giếng dầu mới giảm do viễn cảnh kinh tế ảm đạm cũng hạn chế nguồn cung.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ