Thứ Tư | 15/07/2015 06:00

Giá dầu tăng bất chấp thỏa thuận hạt nhân Iran

Việc Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân đồng nghĩa nguồn cung dầu ra thị trường sẽ tăng, nhưng vẫn chưa rõ khi nào điều này sẽ xảy ra.

Phiên 14/7, giá dầu tăng trong một phiên giao dịch đầy biến động trước tin tức Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, cho phép nước này nối lại hoạt động xuất khẩu dầu thô ra thị trường toàn cầu.

Chốt phiên, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 8/2015 trên sàn Nymex New York tăng 84 cent, tương đương 1,6%, lên 53,04 USD/thùng, dứt mạch giảm 2 phiên liên tiếp và ghi nhận mức cao nhất kể từ 2/7.

Giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giao tháng 8/2015 trên sàn ICE Futures Europe London tăng 66 cent, tương ứng 1,1%, lên 58,51 USD/thùng.

Theo các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân, Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với lĩnh vực năng lượng và tìa chính của Iran áp đặt từ năm 2002 đổi lại Iran sẽ chấp nhận hạn chế hoạt động hạt nhân trong vòng 10 năm và không phát triển bom hạt nhân.

Thỏa thuận này vẫn cần Quốc hội Mỹ thông qua và vẫn đang vấp phải sự chỉ trích của quốc gia Trung Đông Israel và các nước Vùng Vịnh khi cho rằng phía P5+1 nhượng bộ quá nhiều và như vậy là chưa đủ để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran.

Khi được thông qua, thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho Iran cung cấp thêm 1 triệu thùng dầu ra thị trường toàn cầu. Thời điểm của việc này đang là vấn đề chính trong các cuộc đàm phán khi Mỹ yêu cầu Tehran chứng minh sự tuân thủ thỏa thuận trước khi dỡ bỏ các lệnh cấm.

Giá dầu giảm 2% trong đầu phiên sau khi có tin các bên đạt được thỏa thuận hạt nhân, nhưng hồi phục và tăng khi chốt phiên. Giới thương nhân và các nhà phân tích cho rằng sự biến động của giá dầu cho thấy thị trường vẫn chưa tin rằng thỏa thuận hạt nhân sẽ tác động đến giá dầu trong ngắn hạn vì sẽ cần nhiều tháng để Iran có thể tái xuất khẩu dầu.

Hiện Iran có ít nhất 20 triệu thùng dầu đang trữ trên các tàu chở dầu, sẵn sàng xuất phát khi các lệnh cấm được dỡ bỏ. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Iran vẫn đang gặp khó khăn khi cần phải được đầu tư đáng kể để khôi phục lại mức sản lượng trước kia.

Phan Nguyễn

Nguồn WSJ, MW