Giá dầu quay đầu giảm do lo ngại thừa cung toàn cầu
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 4/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,4 USD, tương ứng 3,7%, xuống 36,50 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 5/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,19 USD, tương đương 2,9%, xuống 39,65 USD/thùng.
Tuy vậy, giá dầu vẫn tăng hơn 40% kể từ ngưỡng thấp nhất nhiều năm qua - quanh mức 20 USD/thùng - ghi nhận trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua.
Giới đầu tư vẫn cho rằng tình trạng thừa cung toàn cầu vẫn ở mức cao và những yếu tố cơ bản cung-cầu vẫn chưa bắt đầu hồi phục. Thị trường cũng chịu tác động tiêu cực sau hàng loạt tin tức hôm thứ Ba 8/3, củng cố quan điểm rằng sự hồi phục của giá dầu vẫn còn rất xa.
Giá dầu giảm ngay đầu phiên khi giới đầu tư đón nhận số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm và nhu cầu dầu thô của nước này suy yếu. Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới và là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu. Kinh tế nước này giảm tốc có thể khiến giá dầu mất đà hồi phục.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Kuwait phát tín hiệu rằng sẽ không đóng băng sản lượng trừ khi Iran đồng ý hành động tương tự và báo cáo mới của Goldman Sachs cho rằng đà tăng của giá dầu không bền vững. Bộ Năng lượng Mỹ cũng cho biết, sản lượng dầu thô của nước này vẫn tăng mạnh hơn dự đoán và hạ dự báo giá dầu bình quân trong năm nay và năm tới, trong khi giới phân tích dự đoán lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua vẫn tiếp tục tăng.
Những tuần gần đây, giá dầu tăng khi giới đầu tư tin tưởng hơn rằng thị trường đã chạm đáy vò cuối tháng 2/2016 ở sát mức 27 USD/thùng. Người lạc quan tin rằng giá dầu thấp rốt cuộc sẽ buộc các nhà sản xuất dầu thô của Mỹ giảm sản lượng, giảm nguồn cung trên thị trường. Sản lượng dầu thô của Mỹ tuy có giảm song vẫn trên 9 triệu thùng/ngày.
Trong báo cáo ra hôm thứ Ba 8/3, Goldman Sachs cho rằng ngưỡng giá 40 USD/thùng là không bền vững và giá dầu cần ở mức thấp trong thời gian dài hơn trước khi thị trường bắt đầu tái cân bằng hoàn toàn vào nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) hôm thứ Ba 8/3 công bố số liệu cho thấy, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần qua tăng 4,4 triệu thùng, trong khi đó, nguồn cung xăng lại giảm 2,1 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 128.000 thùng.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ,MW