Giá dầu quay đầu giảm do lo ngại thừa cung
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 9/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1 USD, tương ứng 2,2%, xuống 44,75 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 9/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 97 cent, tương đương 2,1%, xuống 46,20 USD/thùng, thấp nhất kể từ 10/5.
Cả giá dầu Brent và WTI đều giảm hơn 12% so với mức đỉnh năm 2016 ghi nhận hồi đầu tháng 6 ở mức trên 50 USD/thùng.
Sau khi đạt mức đỉnh của năm 2016, giá dầu liên tục chịu áp lực do tình trạng thừa cung sản phẩm lọc dầu. Các nhà máy lọc dầu đã biến tình trạng thừa cung dầu thô toàn cầu thành tình trạng thừa cung xăng và các sản phẩm nhiên liệu khác, theo các nhà phân tích.
Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng các nhà máy lọc dầu sẽ giảm lượng dầu thô mua vào trong những tháng tới. Tuy vậy, giới đầu cơ giá lên cũng được an ủi phần nào khi số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy công suất của các nhà máy lọc dầu tại Mỹ tuần qua tăng gần 1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, với việc giá xăng giảm xuống sát với giá dầu thô, biên lợi nhuận sẽ kéo giảm hoạt động của các nhà máy lọc dầu, theo đó, kéo giảm giá dầu thô.
Mỹ không phải là nước duy nhất đang đối mặt với tình trạng thừa cung xăng. Các nhà phân tích dự đoán sản lượng xăng của Trung Quốc sẽ vượt nhu cầu trong năm nay, bất chấp doanh số bán ôtô tăng vọt. Điều này đồng nghĩa rằng lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc sẽ giảm, nhưng nhập khẩu dầu thô của nước này sẽ không giảm mạnh nhờ nhu cầu cơ bản vẫn còn.
Nhiều nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc, nhất là các nhà máy lọc dầu độc lập hay còn gọi là teapot, đang mở rộng mạng lưới bán lẻ đến các vùng nông thôn - mảng thị trường chưa được khai thác mà gã khổng lồ Sinopec vẫn đang để ngỏ. Bên cạnh đó, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc xuất khẩu xăng, chủ yếu sang Singapore - trung tâm giao dịch hàng hóa chủ chốt tại châu Á.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ