Giá dầu Mỹ xuống dưới 32 USD/thùng lần đầu tiên hơn 12 năm qua
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giao tháng 2/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 2 USD, tương ứng 6%, xuống 31,55 USD/thùng, thấp nhất kể từ 6/4/2004.
Giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 2/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,75 USD, tương đương 5,3%, xuống 31,41 USD/thùng, thấp nhất kể từ 5/12/2003 và ghi nhận lần đầu tiên giá xuống dưới 32 USD/thùng trong hơn 12 năm qua.
Giá dầu bắt đầu giảm mạnh từ giữa năm 2014 và mất hơn 10% trong năm 2015. Đà lao dốc của giá năng lượng đã khiến thị trường toàn cầu hoảng loạn khi các công ty và các nước sản xuất dầu thô đang phải vật lộn để cắt giảm chi phí trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm.
Sản lượng dầu tiếp tục vượt nhu cầu trên thế giới dù cho các nhà sản xuất đã cắt giảm hàng tỷ USD chi phí đầu tư và giảm số lượng giàn khoan. Đà tuột dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng dấy lên lo ngại về việc kinh tế nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại.
Giới phân tích Phố Wall đã hạ dự báo giá dầu và cho rằng khả năng giá xuống dưới 30 USD/thùng ngày càng cao khi lượng dầu lưu kho toàn cầu tiếp tục tăng và USD mạnh lên, gia tăng áp lực lên hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh, kể cả dầu thô.
Tình trạng thừa cung trên thị trường dầu thô toàn cầu được dự đoán sẽ trầm trọng hơn ngay trong tháng này nếu các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ, cho phép nước này tăng xuất khẩu dầu thô.
Tuy sản lượng dầu thô của Mỹ giảm trong những tháng gần đây, song tốc độ giảm chậm hơn so với dự kiến của giới đầu tư. Hôm thứ Hai 11/1, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự đoán sản lượng dầu thô tại 7 vùng sản xuất chủ chốt sẽ giảm 116.000 thùng/ngày trong tháng 2/2016, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 1/2015.
Cũng theo số liệu của EIA, lượng dầu lưu kho của Mỹ đang đạt gần mức kỷ lục ghi nhận hồi tháng 4/2015 và lượng dầu lưu kho này thường có xu hướng tăng vào cuối tháng 1 và tháng 2 khi các nhà máy lọc dầu giảm lượng mua vào dầu thô trong khi tiến hành bảo dưỡng theo mùa. Một số nhà phân tích cảnh báo lượng dầu lưu kho có thể vượt công suất chứa, buộc người mua phải dự trữ trên tàu chở dầu hoặc ngừng mua vào, khiến giá dầu giảm sâu hơn nữa.
USD mạnh lên cũng gây áp lực lên giá hàng hóa. Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, phiên 11/1 tăng 0,3%.
Trong báo cáo ra ngày 11/1, Morgan Stanley cho rằng nếu USD tăng 5%, giá dầu có thể giảm 10-25%. “Thừa cung có thể khiến giá dầu giảm xuống dưới 60 USD/thùng, nhưng sự khác biệt giữa 35 USD/thùng và 55 USD/thùng chủ yếu do USD gây ra. Nếu đà tăng của USD tiếp tục, viễn cảnh giá dầu ở 20-25 USD/thùng hoàn toàn có thể xảy ra”, báo cáo của Morgan Stanley cho biết.
Ngân hàng này dự đoán giá dầu Brent bình quân trong quý I/2016 đạt 42 USD/thùng trong khi giá dầu Mỹ là 39 USD/thùng.
Hôm thứ Hai 11/1, Societe General cũng hạ dự báo giá dầu bình quân năm 2016. Theo đó, giá dầu Brent giảm 11,25 USD/thùng xuống 42,50 USD/thùng và giá dầu Mỹ giảm 9,25 USD/thùng xuống 40,50 USD/thùng.
Trong khi đó, hôm thứ Sáu 8/1, Bank of America Merrill Lynch đưa ra dự đoán giá dầu Mỹ bình quân năm 2016 đạt 45 USD/thùng, giảm so với 48 USD/thùng dự báo trước đó, và giá dầu Brent đạt 46 USD/thùng, giảm so với 50 USD/thùng dự báo trước đó.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ,MW