Giá dầu Mỹ tăng đột biến, vượt 40 USD/thùng
Phiên 17/3, giá dầu Mỹ lần đầu tiên trong năm nay vượt 40 USD/thùng, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường từ mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 4/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,74 USD, tương ứng 4,5%, lên 40,20 USD/thùng, cao nhất kể từ 3/12/2015.
Giá dầu Brent giao tháng 5/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,21 USD, tương đương 3%, lên 41,54 USD/thùng, cao nhất kể từ 4/12/2015.
Kể từ khi giảm xuống mức 26,21 USD/thùng hôm 11/2 vừa qua, giá dầu Mỹ đã phục hồi đáng kể trong những tuần gần đây, tăng hơn 50% trong bối cảnh đồn đoán giá dầu ở mức thấp sẽ buộc các nhà sản xuất phải hạn chế sản lượng và tình trạng thừa cung toàn cầu bắt đầu giảm. Đà tăng của giá dầu cũng được hỗ trợ khi USD suy yếu sau khi Fed dự kiến giảm số lần tăng lãi suất trong năm nay.
Giá dầu tăng nhờ hy vọng về thỏa thuận đóng băng sản lượng của các nước sản xuất dầu thô chủ chốt. Hôm thứ Năm 1/3, giá dầu tăng sau khi các nước sản xuất chủ chốt, kể cả Arab Saudi cùng các nước thành viên OPEC và ngoài OPEC, đã đồng ý nhóm họp tại Qatar vào ngày 17/4 tới đây để thảo luận việc đóng băng sản lượng.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi Fed sau phiên họp chính sách kết thúc vào 16/3 dự kiến giảm số lần nâng lãi suất trong năm nay và nêu rõ những rủi ro đối với kinh tế Mỹ từ sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và biến động của thị trường tài chính. USD giảm mạnh sau tuyên bố của Fed, giúp đẩy tăng giá dầu cùng giá các loại hàng hóa khác.
Tuy nhiên, đà tăng mạnh mẽ của giá dầu lại khiến một số nhà phân tích và nhà đầu tư lo ngại khi cho rằng giá dầu tăng chủ yếu do đồn đoán chứ không phải nhờ những thay đổi thực sự về yếu tố cơ bản cung-cầu.
Thị trường dầu hiện vẫn trong tình trạng thừa cung. Lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua lại tiếp tục lập kỷ lục mới trong khi công suất chứa tại các bể chứa tiến sát ngưỡng tối đa. Tuy các nhà sản xuất dầu Mỹ đã giảm sản lượng, song Iran lại đang tăng sản lượng sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hồi tháng 1 vừa qua.
Giới phân tích ước tính, dư thừa dầu toàn cầu tiếp tục đứng ở mức 1-2 triệu thùng/ngày. Cả sản lượng và xuất khẩu dầu thô của Arab Saudi trong tháng 2 đều tăng so với tháng 1/2016.
Đà hồi phục của giá dầu cũng gây ra nghịch lý vì giá dầu cao hơn có thể lại bắt đầu khuyến khích các công ty tăng sản lượng khi giá tiến sát mức có thể mang lại lợi nhuận - điều này có thể khiến tình trạng thừa cung trầm trọng hơn.
Cho đến gần đây, viễn cảnh thị trường dầu thô vẫn khá ảm đạm. Goldman Sachs tháng trước cho rằng giá dầu có thể giảm xuống 20 USD/thùng.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ,MW