Giá dầu Mỹ lên cao nhất 2 tuần nhờ nhu cầu xăng
Tuy nhiên, đà tăng phần nào chững lại sau khi Arab Saudi hôm Chủ nhật 4/10 quyết giảm giảm giá bán dầu cho khách hàng châu Á và Mỹ, làm trầm trọng thêm cuộc chiến giành thị phần - từng khiến giá dầu lao dốc trong năm ngoái.
Giá dầu giảm trong năm qua chủ yếu do thừa cung, buộc các nhà sản xuất phải hạ giá bán để thu thêm khách hàng và đưa một lượng lớn vào lưu kho. Tuy nhu cầu tăng trong năm nay và sản lượng dầu thô của Mỹ bắt đầu giảm, song giới phân tích cho rằng thừa cung có thể vẫn kéo dài sang năm 2016.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 11/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 72 cent, tương ứng 1,6%, lên 46,26 USD/thùng, cao nhất kể từ 22/9.
Giá dầu Brent giao tháng 11/2015 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,2 USD, hay tăng 2,3%, lên 49,25 USD/thùng, cao nhất trong hơn một tuần qua.
Việc nhà máy lọc dầu tại Midwest bất ngờ đóng cửa đã đẩy giá nhiên liệu trong vùng tăng. Giá xăng kỳ hạn tăng 4,39 cent, tương ứng 3,3% lên 1,3853 USD/gallon.
Số giàn khoan tại Mỹ giảm cũng hỗ trợ giá dầu. Trong tuần kết thúc vào 2/10, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ giảm 26 giàn xuống 614 giàn, theo số liệu của Baker Hughes.
Dựa vào số giàn khoan, Goldman Sachs hôm thứ Sáu 2/10 đưa ra dự đoán sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2016 sẽ giảm 225.000 thùng/ngày so với mức của năm nay.
Giới đầu tư đang theo dõi sản lượng dầu của Mỹ trong năm nay để xem khi nào việc cắt giảm chi phí đầu tư sẽ khiến sản lượng giảm theo.
Trong khi sản lượng dầu của Mỹ giảm, các nước sản xuất chủ chốt khác tiếp tục bơm dầu với tốc độ cao, làm gia tăng tình trạng thừa cung. Tuần trước, Nga cho biết, sản lượng dầu trong tháng 9 đạt kỷ lục 10,74 triệu thùng/ngày.
Hôm Chủ nhật 4/10, Arab Saudi đã mạnh tay giảm giá bán dầu cho khách hàng châu Á và Mỹ khi thành viên lớn nhất OPEC này quyết giữ thị phần sau khi Iran, Iraq và các nước khác ở Trung Đông giảm giá bán mạnh hơn so với Arab Saudi hồi tháng 9 vừa qua.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ, MW