Giá dầu Mỹ lại dò đáy, xuống dưới 27 USD/thùng
Kết thúc phiên giao dịch, vào ngày đáo hạn, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 2/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,91 USD, tương ứng 6,7%, xuống 26,55 USD/thùng, thấp nhất kể từ 7/5/2003. Giá dầu giao tháng 3/2016 giảm 1,22 USD, hay 4,1%, xuống 28,35 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 3/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 88 2 cent, tương đương 3,1%, xuống 27,88 USD/thùng, thấp nhất kể từ 24/11/2003.
Các chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm mạnh khi giới đầu tư tỏ ra lo lắng về sức khỏe kinh tế Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ hàng hóa chủ chốt và kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại sẽ khiến thế giới ngập trong dầu thô và các loại nguyên vật liệu thô khác trong nhiều tháng.
Một số nhà kinh tế học cũng cảnh bảo rằng những tác động tích cực của việc giá dầu ở mức thấp đối với chi tiêu dùng có thể bị lu mờ bởi các yếu tố mà nhiều nhà phân tích đánh giá thấp khi giá dầu bắt đầu giảm: tỷ lệ thất nghiệp, cắt giảm đầu tư và chi tiêu và sự sụt giảm nguồn thu của chính phủ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong báo cáo ra hôm thứ Ba 19/1 cho rằng thế giới có thể sớm ngập trong dầu thừa.
Bên cạnh đó, lo ngại về việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng khiến thị trường tài chính biến động và làm gia tăng tâm lý bi quan trên thị trường dầu thô.
Citi đã hạ dự báo giá dầu do lo ngại về sức khỏe kinh tế Trung Quốc. Theo đó, cả giá dầu Brent và WTI bình quân chỉ đạt 34 USD/thùng trong quý I/2016 và giảm xuống 31 USD/thùng trong quý II/2016.
Trong khi đó, đà bán tháo trên thị trường chứng khoán cũng khiến tâm lý bi quan của giới đầu tư trầm trọng hơn.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 2,6% và S&P 500 giảm 2,3%.Còn tại châu Á, chứng khoán Hong Kong xuống thấp nhất 3 năm rưỡi và chỉ số Nikkei của Nhật Bản chốt phiên rơi vào vùng giá xuống, trong khi chứng khoán châu Âu cũng giảm mạnh.
IMF hôm thứ Ba 19/1 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,4%, nhưng vẫn cao hơn so với 3,1% của năm 2015.
IEA hôm 19/1 cho biết, sản lượng dầu thô của các nước ngoài OPEC năm 2016 sẽ giảm do cắt giảm chi tiêu, nhưng lượng dầu giảm này sẽ được bù đắp khi Iran tăng sản lượng sau khi các lệnh trừng phạt nước này được dỡ bỏ.
Tiêu thụ dầu thô toàn cầu năm 2015 tăng khi người tiêu dùng tận dụng lợi thế giá dầu rẻ và Trung Quốc tăng dự trữ dầu chiến lược, nhưng IEA dự đoán xu hướng này sẽ không tiếp tục.
Theo IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ chậm lại, xuống 3,1% trong năm nay so với 5,6% của năm 2015. Trong khi đó, tại Trung Đông, việc chính phủ Arab Saudi và UAE đã giảm trợ cấp nhiên liệu cũng khiến tăng trưởng nhu cầu dầu thô của khu vực này chậm lại, theo IEA.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ,MW