Thứ Ba | 15/04/2014 06:31

Giá dầu lên cao nhất 5 tuần

Căng thẳng leo thang giữa Ukraine và Nga - nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới đã đẩy giá dầu tăng cao.
Giá hợp đồng kỳ hạn tại London tăng 1,6% và 0,3% tại New York. Nga kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp sau khi lực lượng an ninh của Ukraine đụng độ với phe ủng hộ Nga tại thị trấn Slovyansk. Các quan chức châu Âu tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì cho rằng, Nga đang khuấy động phe ủng hộ ly khai làm gia tăng bất ổn.

Giá dầu Brent giao tháng 5 tăng 1,74 USD/thùng lên 109,07 USD/thùng, mức giá cao nhất kể từ gnayf 4/3 trên sàn giao dịch ICE. Khối lượng giao dịch cao hơn 27% so với mức trung bình 100 ngày. Giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,67 USD/thùng lên 109,07 USD/thùng.

Trên sàn Nymex, giá dầu WTI giao tháng 5 tăng 31 xu lên 104,05 USD/thùng, mức giá cao nhất kể từ ngày 3/3. Khối lượng giao dịch cao hơn 18% so với mức trung bình 100 ngày.

Giá dầu WTI giảm 5,02 USD so với giá dầu Brent.

Theo Ủy ban Giao dịch hàng hóa kỳ hạn của Mỹ, các quỹ đầu tư và quỹ quản lý tài sản khác đã vị thế mua dài hạn đối với dầu WTI là 10% lên 331.056 hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn tính đến ngày 08/4. Các màn đánh cược vào sự tăng giá của dầu lên mức cao nhất tính đến thời điểm hiện tại kể từ năm 2006.

Giá dầu tăng cao do căng thẳng lại tái diễn giữa Ukraine và Nga cũng như nguồn cung dầu tăng lên.

Tại Ukraine, các tay súng ngụy trang đã bắn vào lực lượng chính phủ gần thị trấn Slovyansk. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin phát biểu tại một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an ở New York rằng, "tay sai" của chính phủ tại Kiev đang tổ chức các cuộc tấn công với sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây.

Theo ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Citigroup, cho rằng, việc ngừng cung cấp dầu thô và khí tự nhiên của Nga sang Ukraine có thể sẽ gây ra ảnh hưởng vô cùng lớn. Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào ngành công nghiệp năng lượng của Nga sẽ khiến giá cả tăng cao hơn rất nhiều.

Cùng với đó, sự phục hồi trong nguồn cung dầu của Libya đã giúp bù đắp lo ngại về việc giảm nguồn cung từ Nga với việc mở lại cảng Hariga vào ngày 10/4 - là 1 trong 4 cảng bị quân phiến loạn chiếm giữ trước đó.

Trong khi đó, theo một khảo sát của Bloomberg, sản lượng dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 3 giảm lần thứ năm liên tiếp trong bảy tháng.

Nguồn Gafin/ Bloomberg/ NCDT


Sự kiện