Giá dầu hồi phục do USD suy yếu, chờ phiên họp OPEC
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 1/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 1,14 USD, tương đương 2,9%, lên 41,08 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 1/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,35 USD, tương ứng 3,2%, lên 43,84 USD/thùng.
USD giảm mạnh so với các đồng tiền chủ chốt, kể cả euro, sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đưa ra các biện pháp kích thích thấp hơn mong đợi của giới đầu tư.
Giới đầu tư cũng đang theo sát diễn biến phiên họp OPEC tại Vienna. Sau khi các bộ trưởng dầu mỏ OPEC nhóm họp hôm thứ Năm 3/12, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết, “vẫn còn nhiều bất đồng” giữa các bộ trưởng và OPEC “chưa thể” đi đến thỏa thuận về chiến lược sản lượng.
Giá dầu tăng trong đầu phiên giao dịch khi có tin cho thấy Arab Saudi - thành viên lớn nhất của OPEC - trong phiên họp thứ Sáu 4/12 sẽ đề xuất việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày miễn là các thành viên ngoại Khối OPEC cũng làm như vậy.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đề xuất này không có triển vọng thành công khi các nước ngoài OPEC như Nga hay Mexico không thể đồng ý giảm sản lượng. Tại Mỹ, việc các nhà sản xuất dầu bắt tay để giảm sản lượng là hành động bất hợp pháp.
Giá dầu đã liên tục lao dốc trong năm qua trong bối cảnh thừa cung toàn cầu. Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên trong những năm gần đây nhờ công nghệ khoan dầu hiệu quả hơn và OPEC trong phiên họp hồi tháng 11/2014 đã quyết định không giảm sản lượng nhằm giành và giữ thị phần. Thay vào đó, Khối này liên tục tăng sản lượng trong những tháng gần đây và luôn cao hơn so với mục tiêu sản lượng 30 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, OPEC có thể tăng mục tiêu sản lượng trong phiên họp thứ Sáu tuần này trong trường hợp Indonesia tái gia nhập Khối, theo giới phân tích. Nếu OPEC không nâng mục tiêu sản lượng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy Khối này sẵn sàng giảm sản lượng xuống 30 triệu thùng/ngày, theo Capital Economics.
Iran hôm thứ Năm 3/12 cho biết, nước này sẽ đưa ra kế hoạch tăng sản lượng dầu thô, bác bỏ lời kêu gọi của Arab Saudi về việc tham gia giảm sản lượng OPEC.
Cuộc cạnh tranh giữa các nước sản xuất dầu thô vẫn rất khốc liệt. Arab Saudi thông báo sẽ hạ giá bán dầu cho tất cả các khách hàng trong tháng 1/2016, nhất là đối với khách hàng châu Âu, nhằm giành và giữ thị phần.
Theo phân tích của Wall Street Journal, các phiên họp OPEC thường kiến giá dầu biến động mạnh. Kể từ năm 2002, giá dầu thô của Mỹ đã tăng giảm 2,2% sau phiên họp OPEC so với 1,7% bình quân hàng ngày.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ