Thứ Sáu | 24/10/2014 11:16

Giá dầu giảm và những tác động đối với các nước xuất khẩu

Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các nước xuất khẩu dầu. Nhưng mức độ ảnh hưởng ra sao và vì sao OPEC chưa muốn giảm sản lượng.
Do mất cân đối cung cầu khi nguồn cung dồi dào còn nhu cầu lại giảm sút, giá dầu thế giới đã giảm mạnh trong những phiên gần đây và hiện vẫn ở mức dưới 81 USD/thùng đối với dầu ngọt nhẹ New York và dưới 85 USD/thùng đối với dầu Brent Biển Bắc.

Giá giảm mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các nước xuất khẩu dầu. Vấn đề đặt ra là mức độ ảnh hưởng ra sao đối với mỗi nước và việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) chưa muốn cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu là xuất phát từ lý do gì?
"Vàng đen" giảm giá mạnh

Giá dầu thế giới tương đối ổn định trong gần bốn năm qua, ở mức trung bình 110 USD/thùng, khi sản lượng tăng ở Mỹ, Canada, Iraq và các nước khác đã bù vào sự sụt giảm ở Iran và Libya, đáp ứng nhu cầu gia tăng trên toàn cầu. Nhưng sự cân đối mong manh này đã bị phá vỡ do sản lượng, đặc biệt là ở Mỹ, tiếp tục tăng mạnh, trong khi kinh tế toàn cầu yếu hơn khiến nhu cầu thấp.

Tình trạng dư cung khiến giá dầu liên tiếp đi xuống và trong các phiên gần đây, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ đã có những lúc bị tụt xuống còn 79,78 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012, và cũng là lần đầu tiên kể từ thời điểm đó, giá dầu bị tuột mốc 80 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc cũng có những thời điểm lùi về 82,6 USD/thùng (mức thấp nhất kể từ ngày 23/11/2010). Trong khi trước đó, vào tháng Sáu, giá dầu Brent bị đẩy lên tới 115 USD/thùng, do tình trạng hỗn loạn tại Iraq.

Theo các nhà phân tích, yếu tố quan trọng nhất tác động tới thị trường dầu mỏ hiện tại là nguồn cung quá dồi dào, không chỉ tại Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Nguồn cung dầu toàn cầu tăng gần 910.000 thùng trong tháng Chín lên 93,8 triệu thùng/ngày, tăng gần 2,8 triệu thùng so với năm ngoái.

Nhờ hoạt động khai thác dầu khí từ đá phiến bùng nổ, sản lượng của Mỹ tăng lên khoảng 300.000 thùng/ngày kể từ đầu tháng Tám. Riêng khu vực Bắc Mỹ có thể sẽ bổ sung thêm 1-1,5 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm sau. Cũng trong tháng Chín, sản lượng của OPEC đã chạm mốc 30,96 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11/2012, do hoạt động phục hồi sản xuất tại Libya và sản lượng của các nước vùng Vịnh tăng.

Sau nhiều năm chỉ sản xuất khoảng 200.000 thùng/ngày, Libya đã tăng sản lượng lên 700.000 thùng kể từ giữa tháng Sáu và 900.000 thùng vào cuối tháng Chín. Trong khi đó, các nước Iraq, Nga, Angola và Nigeria cũng đẩy mạnh khai thác.

Tình trạng cung vượt cầu vốn đã kéo dài trong vài tháng qua càng đáng ngại thêm trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu nói chung và một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc và châu Âu nói riêng còn khá u ám, sau khi vừa phải đón nhận một loạt số liệu kinh tế đáng thất vọng. Thế giới đang có dự báo về một cuộc khủng hoảng mới tại Khu vực sử dụng đồng euro sau khi liên tiếp có các số liệu kinh tế đáng thất vọng tại khu vực này, còn tại Trung Quốc - một trong số những nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của thế giới năm 2014 xuống 700.000 thùng/ngày, giảm 200.000 thùng so với dự báo trước, do tăng trưởng kinh tế chậm lại và mức tiêu thụ giảm và tăng trưởng ở mức này, nhu cầu toàn cầu trong năm nay là hơn 92 triệu thùng/ngày.

Các nước xuất khẩu dầu mỏ bị tác động?

Các nước OPEC và những nước xuất khẩu lớn khác sẽ cảm nhận được tác động của việc giá dầu giảm mạnh nhất. Nga, Venezuela và Iraq nằm trong số những nước bị tổn thương nhất. Nhờ lợi thế về chi phí sản xuất, các nước này vẫn có lời với mức giá dầu thấp, nhưng ngân sách lại dựa trên ước tính giá dầu ở mức 100 USD hoặc cao hơn.

Ngân sách 2014 của Nga được tính trên mức giá dầu trung bình 117 USD/thùng cho phần lớn thời gian của năm, còn ngân sách 2015 đã được chốt trên mức giá 100 USD/thùng.

Theo ước tính, giá dầu phải ở mức 110 USD/thùng thì Venezuela mới có thể thực hiện được các nghĩa vụ tài chính.

Trong khi đó, Iraq đang tính toán rằng nguồn thu tăng nhờ cả giá dầu ở mức cao và sản lượng tăng sẽ giúp nước này đẩy lùi tình trạng bạo loạn và hồi sinh đất nước. Tuy nhiên, ngược lại với tính toán đó, nguồn thu này có thể sẽ giảm.

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ lo ngại rằng nếu giá giảm thêm có thể buộc chính phủ nước này phải cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, ông Putin cũng nói rằng giá dầu ở mức thấp như hiện nay không phải là một thảm kịch cho ngân sách của nước này dù nguồn thu từ năng lượng có đóng góp lớn và tin tưởng về xu hướng tăng giá.

Dù Nga có lượng dự trữ tài chính đáng kể và có thể chấp nhận thâm hụt ngân sách nếu cần thiết, nhưng theo các quan chức của Bộ Tài chính nước này, giá dầu giảm như hiện nay, GDP của Nga có thể mất khoảng 2%.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Ngân hàng công của Venezuela Rodolfo Marco Torres khẳng định nước này “được chuẩn bị đầy đủ” để đương đầu với những bất ổn của thị trường dầu mỏ thế giới, đồng thời cho biết sẽ hoàn thành nghĩa vụ thanh toán 3 tỷ USD trái phiếu nợ của tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA ngày 28/10.

Tuần trước, Tổng thống Nicolás Maduro khẳng định Chính phủ Venezuela sẽ trả nợ đến “đồng đôla cuối cùng” và cho biết giá dầu giảm trên thị trường toàn cầu không ảnh hưởng tới tình hình tài chính và những khoản chi cho các chương trình xã hội tại quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này. Mức giá dầu thế giới hiện nay vẫn cao hơn mức dự kiến 60 USD/thùng khi Quốc hội duyệt ngân sách cho năm nay, nên chưa ảnh hưởng tới kế hoạch chi tiêu của chính phủ. Chính phủ cũng ước tính giá dầu thô xuất khẩu chỉ ở mức 60 USD/thùng trong dự thảo ngân sách năm tới.

Đối với Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là thành viên có ảnh hưởng nhất trong OPEC, nước này sẽ bị thâm hụt ngân sách nếu giá dầu ở mức 85 USD/thùng. Với lượng dự trữ lớn, ước tính là 700 tỷ USD, Saudi Arabia có thể chống đỡ được nếu giá dầu tiếp tục giảm và hài lòng với giá dầu ở mức 80-90 USD/thùng.
Vì sao OPEC chưa muốn cắt giảm sản lượng?

Trước xu hướng "tụt dốc" của giá dầu, các nước sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới vẫn chưa có ý định cắt giảm sản lượng, và thậm chí còn không tỏ ra quá quan ngại về vấn đề này. Iraq là thành viên mới nhất của tổ chức này tuyên bố hạ giá bán dầu, theo sau động thái tương tự từ Saudi Arabia và Iran. Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Ali al-Omair dự báo rằng giá dầu sẽ sớm phục hồi khi mùa Đông đến khẳng định rằng giá "vàng đen" sẽ không thể hạ xuống dưới 76-77 USD/thùng.

Saudi Arabia cho rằng một sự thay đổi chính sách có thể nhằm vào việc hãm bớt đầu tư của các đối thủ cho việc khai thác dầu đá phiến ở Mỹ. Một nhà sản xuất chủ chốt khác của OPEC ở vùng Vịnh là Kuwait cũng cho rằng tổ chức này không thể cắt giảm sản lượng.

Ngay cả Iran, một trong những thành viên đầu tiên của OPEC thường lên tiếng kêu gọi cắt giảm nguồn cung để đẩy giá lên bởi nước này cần giá dầu ở mức tương đối cao để cân bằng ngân sách, cũng nói rằng có thể chấp nhận được việc giá dầu giảm.

Thứ trưởng Dầu mỏ Iran Rokneddin Javadi cho rằng giá dầu giảm sẽ trong ngắn hạn và sẽ không ảnh hưởng lớn tới ngân sách của nước này, dù Iran cần giá dầu ở mức 130 USD/thùng để đạt thặng dư ngân sách theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Như vậy, Iran đang tiến gần hơn đến chủ trương của Saudi Arabia và các nước OPEC vùng Vịnh và điều này giảm khả năng sẽ có bất kỳ hành động tập thể nào của các thành viên trong vấn đề sản lượng để hỗ trợ giá.

Việc các nước OPEC có thể không chọn giải pháp cắt giảm sản lượng là do dù có cắt giảm đủ để đưa giá dầu trở lại mức trên 100 USD/thùng thì sẽ chỉ khuyến khích việc đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến và khiến cho nhu cầu tiếp tục trì trệ, tức là chỉ làm cho tình hình thêm tồi tệ.

Bài học từ những năm 1980, khi xuất khẩu dầu của Saudi Arabia giảm từ 10 triệu thùng/ngày vào năm 1980 xuống dưới 3 triệu thùng vào năm 1985, và tổng sản lượng của OPEC giảm một nửa, từ 30 triệu thùng/ngày xuống 16 triệu thùng, là dù cắt giảm bao nhiêu cũng không thể hỗ trợ giá dầu khi nguồn cung ngoài OPEC đang tăng mạnh và nhu cầu lại thấp. Những gì Saudi Arabia nhận được khi cắt giảm sản lượng vào thời kỳ đó là giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, khiến nước này thâm hụt ngân sách trong 16 năm và nợ chồng chất.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện