Giá dầu giảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á
Nhà kinh tế học Gareth Leather tại Capital Economics, cho biết, người tiêu dùng Đông Nam Á đang cảm thấy mình giàu có hơn. Rõ ràng, giá dầu giảm đang thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực.
Từ tháng 6, giá dầu Brent đã giảm 25% xuống mốc 86 USD/thùng, điều này sẽ mang lại khoản tiền tiết kiệm lớn cho các nền kinh tế nhập khẩu dầu ở Đông Nam Á – Thái Lan, Philippines và Indonesia – mặc dù ảnh hưởng không tốt đến nước xuất khẩu dầu Malaysia.
Anthony Jude, cố vấn cao cấp của bộ phận năng lượng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết, giá dầu giảm cũng mở ra cơ hội cho các nước Đông Nam Á cắt giảm trợ cấp năng lượng.
Đối với Thái Lan - nền kinh tế gặp khó khăn trong hơn một năm qua do bất ổn chính trị và xuất khẩu giảm – giá dầu rẻ hơn có thể có nghĩa là tăng trưởng nhanh hơn. Theo Bank of America Merrill Lynch, giá dầu cứ giảm 10%, kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 0,45 điểm phần trăm.
Đối với Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á – giá dầu rẻ đồng nghĩa với việc Tân tổng thống Joko Widodo có thể giảm trợ cấp năng lượng một cách “ít đau đớn hơn”.
Ngân hàng trung ương các nước Đông Nam Á có thể duy trì lãi suất thấp trong một thời gian dài hơn, mặc dù cần phải tăng khi Fed bắt đầu nâng lãi suất – được dự đoán sẽ diễn ra vào giữa năm 2015.
Cùng với dầu, giá lương thực toàn cầu giảm cũng tạo thuận lợi cho các nước Đông Nam Á. Giá thực phẩm và nhiên liệu rẻ hơn sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng của người tiêu dùng.
Việc này sẽ giúp kích thích tiêu dùng nội địa – đóng vai trò quan trọng khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt như châu Âu và Nhật Bản ảm đạm và kinh tế Trung Quốc – nước nhập khẩu chủ yếu cao su, dầu cọ và các hàng hóa khác của Đông Nam Á - vẫn rất đáng lo ngại.
Philippines, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, hồi tháng 7 và tháng 9 đã nâng lãi suất nhằm làm giảm áp lực lên giá cả. Nhưng hôm 23/10, ngân hàng trung ương Philippines đã giữ nguyên lãi suất và hạ dự báo lạm phát với lý do chính là áp lực lên giá hàng hóa giảm.
Đến lúc hành động?
Chính phủ Indonesia – chi khoảng 3% GDP cho trợ cấp năng lượng – sẽ có thể dành khoản tiền tiết kiệm được để nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Theo một số nhà kinh tế học, giờ là lúc Indonesia cắt giảm trợ cấp năng lượng vì khi khoảng cách giữa giá trợ cấp và giá thị trường thu hẹp sẽ ít ảnh hưởng đến người tiêu dùng hơn.
Thái Lan cũng chi rất nhiều tiền cho trợ cấp năng lượng. Thái Lan có thể tăng thu bằng việc tái áp thuế đối với dầu diesel mà không làm tăng giá đối với người tiêu dùng, Santitarn Sathirathai tại Credit Suisse, cho biết. Và Thái Lan có thể sử dụng một phần số tiền thu được, khoảng 0,8% GDP, để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Theo DVO/Reuters