Giá dầu giảm sau báo cáo OPEC, triển vọng thỏa thuận hạt nhân Iran
Chốt phiên, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 8/2015 trên sàn Nymex New York giảm 54 cent, tương đương 1%, xuống 52,20 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giao tháng 8/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 88 cent, tương ứng 1,5%, xuống 57,85 USD/thùng.
Giới thương nhân tiếp tục theo dõi chặt chẽ tin tức về các cuộc đàm phán hạt nhân của Iran tại Vienna - được kéo dài qua hạn chót đêm thứ Hai 13/7. Nếu đạt được thỏa thuận, lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ được dỡ bỏ, cho phép nước này cung cấp thêm dầu thô ra thị trường toàn cầu vốn đang dư cung.
Thị trường dầu thô cũng phản ứng trước những biến động về giá USD trong phiên 13/7. Chỉ số Đôla Wall Street Journal tăng 0,7%.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Genscape Inc, nguồn cung cấp dầu thô tại Cushing, Oklahoma, tuần qua tăng. Đây là điều bất thường vì lượng dầu lưu kho thường giảm vào thời điểm này trong năm khi các nhà máy lọc dầu hoạt động với công suất cao để chế biến ra xăng và các sản phẩm nhiên liệu khác.
Tin tức cho thấy sản lượng dầu tại Arab Saudi và North Dakota tăng cũng kéo giảm giá dầu.
Giới đầu tư đang chờ tín hiệu cho thấy dư cung dầu toàn cầu sẽ giảm khi các nhà sản xuất cắt giảm chi phí đầu tư. Nhưng giới thương nhân đến nay khá thất vọng và các nhà dự báo cho biết, thị trường có thể tiếp tục cung vượt cầu trong năm nay và năm tới.
OPEC trong báo cáo công bố hôm thứ Hai 13/7 cho biết, tổng sản lượng dầu của Khối trong tháng 6 tiếp tục tăng, chủ yếu do sản lượng tại Iraq, Nigeria và Arab Saudi tăng. Sản lượng dầu của Arab Saudi trong tháng 6 đạt 10,56 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục.
Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 6 đạt 31,38 triệu thùng, cao hơn so với mục tiêu sản lượng 30 triệu thùng/ngày. OPEC cũng hạ dự báo nhu cầu dầu thô của Khối trong năm nay xuống 29,2 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, North Dakota - khu vực sản xuất dầu đá phiến chủ chốt - hôm thứ Sáu 10/7 cho biết, sản lượng dầu tại bang trong tháng 5/2015 tăng so với tháng 4 bất chấp số lượng giàn khoan giảm.
Báo cáo đã dấy lên lo ngại rằng hiệu quả khai thác tăng và chi phí giảm đã cho phép các nhà sản xuất dầu đá phiến tiếp tục duy trì sản lượng cho dù phải cắt giảm chi phí đầu tư. Điều này đồng nghĩa rằng dư cung dầu toàn cầu có thể không giảm nhanh như dự đoán.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ, MW