Giá dầu giảm mạnh nhất 2 tuần trước thềm phiên họp tại Doha
Giá dầu phiên 15/4 giảm mạnh nhất trong gần 2 tuần qua khi giới đầu tư không tin rằng các nước sản xuất dầu thô chủ chốt có thể nhất trí đóng băng sản lượng trong phiên họp tại Doha, Qatar vào Chủ nhật tuần này.
Đồn đoán các nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới sẽ bắt đầu hợp tác đã giúp giá dầu thời gian vừa qua tăng mạnh nhất trong nhiều năm qua, nhưng nhiều nhà đầu tư cũng như nhà phân tích tin rằng thỏa thuận sẽ không thể được ký kết trong phiên họp vào ngày 174 và giá dầu sẽ lại lao dốc do bị bán tháo sau phiên họp này.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 5/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,14 USD, tương ứng 2,75%, xuống 40,36 USD/thùng. Tuy vậy, cả tuần giá vẫn tăng 1,6%, ghi nhận tuần tăng thứ 8 trong 9 tuần qua.
Giá dầu Brent giao tháng 6/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 74 cent, tương đương 1,7%, xuống 43,10 USD/thùng, nhưng cả tuần giá vẫn tăng 2,8%.
Đầu phiên, giá dầu Brent và WTI đều tăng nhưng bắt đầu giảm sau khi có tin Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh sẽ không tham dự phiên họp tại Doha, Qatar.
Các giới đầu tư có tư tưởng bi quan, sự lưỡng lự của Iran là trở ngại lớn đối với thỏa thuận đóng băng sản lượng. Một số quan chức OPEC từng tuyên bố sẽ không có thỏa thuận nào được ký kết nếu thiếu vắng Iran.
Các nhà phân tích tại Citigroup hôm thứ Sáu 15/4 cho rằng nếu những bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Nga trở thành sự thật, sẽ có một thỏa thuận được ký kết nhưng không có điều khoản ràng buộc.
Giá dầu đã tăng hơn 1/3 kể từ khi ý tưởng đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016 được đưa ra hồi giữa tháng 2/2016, nhưng đà tăng chững lại trong những tuần gần đây trong bối cảnh thị trường hoài nghi về kết quả của phiên họp tại Doha ngày 17/4 tới. Ngay cả trong trưởng hợp được ký kết, giới phân tích vẫn cho rằng, thảo thuận này là không đủ để giải quyết tình trạng thừa cung toàn cầu - nguyên nhân chính khiến giá dầu lao dốc trong 2 năm qua.
Trong báo cáo ra hôm thứ Tư 13/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, “sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào thực sự tác động đến cán cân cung-cầu” trong nửa đầu năm nay khi cả Arab Saudi và Nga đều đang đẩy sản lượng dầu lên mức kỷ lục. Sản lượng dầu của Arab Saudi trong tháng 3/2016 đạt 10,19 triệu thùng/ngày, tuy giảm 30.000 thùng/ngày nhưng vẫn sát mức kỷ lục, trong khi sản lượng dầu của Nga trong tháng 3 lên mức cao nhất 3 thập kỷ ở 10,91 triệu thùng/ngày.
Đà giảm của giá dầu phần nào chững lại vào cuối phiên sau khi số liệu của Baker Hughes cho thấy, số giàn khoan của Mỹ trong tuần kết thúc vào 15/4 giảm 3 giàn xuống 351 giàn. Đến nay, số giàn khoan của Mỹ đã giảm 78% so với mức đỉnh 1.609 giàn hồi tháng 10/2014.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ