Ảnh: QH

 
Khổng Hiệp Thứ Hai | 23/03/2020 08:00

Giá dầu giảm hậu thuẫn cho nới lỏng tiền tệ

Giá dầu giảm mạnh giúp ngân hàng nhà nước có thêm công cụ để quyết định có nới lỏng tiền tệ hay không.

Lần đầu kể từ tháng 9.2019, Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành. Đây là thông điệp cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tiếp sức thanh khoản để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch.

Chưa phải là nới lỏng tiền tệ

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc giảm lãi suất đồng loạt chưa phải là nới lỏng tiền tệ. “Bởi vì lúc này có nới lỏng cũng không giải quyết được vấn đề gì. Hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn tốt, thị trường tiền tệ liên ngân hàng có lãi suất thấp. Bơm tiền ra lúc này, nền kinh tế cũng không thể hấp thụ được, minh chứng cụ thể nhất là tăng trưởng tín dụng 2 tháng qua rất thấp”, ông Nghĩa nhận định. Trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể tác động mạnh đến tăng trưởng GDP, Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng dư địa để Ngân hàng Nhà nước có thể nới lỏng chính sách tiền tệ trong ngắn hạn là rất hạn chế, do lạm phát và lạm phát cơ bản bình quân, ít nhất trong quý I/2020, đều ở mức cao so với kế hoạch đặt ra đầu năm của Chính phủ. Mặc dù vậy, với việc từ đầu tháng 3 đến nay, giá dầu WTI thế giới giảm hơn 40% do những căng thẳng nguồn cung dầu giữa OPEC - Nga, các sản phẩm xăng dầu trong nước cũng giảm, lạm phát sẽ hạ nhiệt.

 

Đầu năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng lạm phát có dấu hiệu tăng từ tháng 11.2019 chính là một yếu tố lớn làm hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước khi cần thiết. Trong bối cảnh lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, việc nới lỏng tiền tệ có khả năng đẩy áp lực lạm phát cao hơn nữa. “Bài học nới lỏng tiền tệ năm 2009-2010 nhằm đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn còn nguyên giá trị, khi những năm sau đó Việt Nam phải trải qua những đợt lạm phát 2 con số trong khi không tránh khỏi đình trệ kinh tế trong nhiều năm”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết.

Nhưng tình thế đã thay đổi. Lạm phát trước đây tăng cao vì một sự kiện ngẫu nhiên là dịch tả lợn châu Phi. Trong khi đó, đầu tháng 3 này, cũng một sự kiện ngẫu nhiên khác đã xảy ra là giá dầu thế giới giảm tới hơn 40% và  chưa có dấu hiệu đi lên trở lại. Trong nước, các sản phẩm xăng dầu trong nước cũng đã giảm 15-20% so với thời điểm đầu tháng 3.
 

 

Xoa dịu sức ép lạm phát

Theo KBSV, lạm phát vẫn còn chịu áp lực đẩy lên từ các nhóm mặt hàng như gạo, thịt heo hay nhóm thuốc và dịch vụ y tế. Mặc dù vậy, do giá dầu giảm hầu như tác động đến giảm chi phí đầu vào của tất cả các ngành hàng nên sẽ có tác dụng kiềm chế làm giảm lạm phát. Hơn nữa, riêng nhóm giá cả các mặt hàng ngành hàng giao thông được dự báo sẽ giảm đến 5% và đóng góp mạnh vào mức CPI chung. 

KBSV ước tính, mức lạm phát trung bình trong quý I/2020 sẽ ở mức 5,68%, riêng tháng 3 chỉ số CPI sẽ không tăng mà giảm xuống âm ở mức -0,38%, cũng là mức giảm phát. Giá thịt heo cũng có thể sẽ tiếp tục giảm trong quý II khi các chính sách tăng đàn, giảm giá bán thịt heo, bắt đầu cho ra kết quả sau nửa năm tái đàn heo. Việc thúc đẩy nhập khẩu thịt heo cũng khiến khả năng rất cao là đến quý II, áp lực lạm phát từ giá thịt heo sẽ hạ nhiệt.

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, dù lạm phát đầu năm ở mức cao gây nhiều áp lực nhưng ngoài việc giá dầu bỗng nhiên giảm, Chính phủ cũng có thể sẽ có những động thái làm giảm giá hàng ở nhóm các dịch vụ công để góp phần xoa dịu áp lực. Các yếu tố này tất nhiên sẽ kiềm chế và làm giảm CPI trong tương lai để hỗ trợ các chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất hoặc bơm tiền ra nền kinh tế để hỗ trợ trong và sau dịch bệnh nhưng 2 việc này là khác nhau. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển lưu ý một vấn đề khác là khi nới lỏng tiền tệ, làm sao để hướng dòng tiền này vào cá nhân để kích thích tiêu dùng thì mới mang lại hiệu quả vì COVID-19 đang làm người dân thắt chặt chi tiêu. Người dân phải tiêu dùng, các doanh nghiệp mới đẩy hàng hóa đi được. 

 

Để đối phó dịch COVID-19, nhiều ngân hàng trung ương các nước đều đã có động thái nới lỏng tiền tệ khá mạnh tay, giảm lãi suất, bơm tiền, như Mỹ, Canada, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc. Việc nới lỏng tiền tệ có giúp ích được nền kinh tế Việt Nam trong thời điểm này không vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Tuy nhiên, giá dầu giảm vô tình giúp Ngân hàng Nhà nước được có thêm dư địa để có thể nới lỏng tiền tệ khi cần thiết, kết hợp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế trong và sau dịch.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, nhìn nhận, lãi suất điều hành đã neo quá lâu và nay điều chỉnh giảm là phù hợp với diễn biến hạ lãi suất của ngân hàng trung ương các nước cũng như tình hình kiểm soát lạm phát trong nước. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành ở mức độ như hiện tại là phù hợp với lạm phát, tỉ giá hiện nay cũng như các chỉ tiêu cân đối vĩ mô khác.

Bạn cũng có thể theo dõi nội dung bài viết thông qua video của NCĐT: