Giá dầu giảm 4,2%, lập đáy mới
Bên cạnh đó, số liệu kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản thấp hơn dự đoán cũng kéo giảm giá dầu.
Quyết định giữ nguyên mục tiêu sản lượng của OPEC trong tháng trước đã củng cố niềm tin của giới đầu tư, phân tích rằng thị trường dầu toàn cầu sẽ tiếp tục dư cung trong năm 2015.
Giá dầu Brent giao tháng 1/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 2,88 USD (-4,2%) xuống 66,19 USD/thùng, thấp nhất kể từ 29/9/2009. Khối lượng giao dịch thấp hơn 4,9% so với mức trung bình 100 ngày. Đến nay, giá dầu Brent đã giảm 40%.
Giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 1/2015 trên sàn Nymex New York giảm 2,79 USD xuống 63,05 USD/thùng, thấp nhất kể từ 16/7/2009. Khối lượng giao dịch thấp hơn 13% so với mức trung bình 100 ngày. Đến nay, giá dầu WTI đã giảm 36%.
Iraq hôm thứ Hai 8/12 đã hạ giá bán dầu giao tháng 1/2015 cho khách hàng châu Á và Mỹ, nhưng lại nâng giá bán cho khách hàng châu Âu sau động thái tương tự của Arab Saudi hồi đầu tháng 12. Giới quan sát thị trường cho rằng việc giảm giá bán là nhằm giữ thị phần – quan điểm có thể khiến giá dầu giảm sâu hơn.
Các nhà sản xuất và thương nhân dầu mỏ đang phải cạnh tranh để tìm người mua trong bối cảnh kinh tế châu Á tăng trưởng chậm lại, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản.
Số liệu công bố hôm thứ Hai 8/11 cho thấy, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản giảm 1,9% trong quý III/2014, cao hơn ước tính, trong khi tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tháng 11 cũng giảm xuống 4,7% so với mức tăng 11,6% trong tháng 10. Trung Quốc và Nhật Bản là nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới sau Mỹ.
Hôm thứ Sáu 5/12 các nhà phân tích Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu Brent đến năm 2018. Theo đó, Morgan Stanley dự báo giá dầu Brent năm 2015 trung bình đạt 70 USD/thùng, giảm từ 98 USD/thùng dự báo trước đó, và cảnh báo giá dầu có thể giảm xuống 43 USD/thùng vào năm tới.
Nếu OPEC không can thiệp, thị trường dầu sẽ ngày càng mất cân bằng và dư cung sẽ lên đỉnh điểm trong quý II/2015, Adam Longson, nhà phân tích tại Morgan Stanley, cho biết.
Các nước sản xuất dầu thô, cả OPEC và ngoài OPEC, bắt đầu ngấm đòn do dầu mất giá, kéo giảm tăng trưởng kinh tế và khiến đồng nội tệ lao dốc. Ngân hàng trung ương tại một số nước như Nga đã phải can thiệp để ngăn đà giảm giá của nội tệ. Hôm thứ Hai 8/12 Mexico cũng công bố kế hoạch can thiệp, theo đó, ngân hàng trung ương nước này sẽ bán USD để hỗ trợ đồng nội tệ peso khi đồng tiền này giảm 1,5% so với USD.
Cuối tuần này, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, các nước OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế sẽ công bố báo cáo hàng tháng, cung cấp thông tin chi tiết hơn về cung cầu dầu toàn cầu.
Giá xăng RBOB giao tháng 1/2015 trên sàn Nymex giảm 6,68 cent (-3,8%) xuống 1,7066 USD/gallon, thấp nhất kể từ tháng 29/9/2009. Giá dầu diesel giao tháng 1/2015 giảm 5,29 cent (-2,5%) xuống 2,0549 USD/gallon, thấp nhất kể từ 1/9/2010.