Thứ Ba | 17/03/2015 10:41

Giá dầu đã chạm đáy?

Sau khi lao dốc hồi cuối năm 2014, giá dầu đã hồi phục hơn 1 tháng qua, dấy lên câu hỏi: Thị trường dầu đã chạm đáy?

Một số yếu tố cơ bản cho thấy điều này chưa xảy ra: Dự trữ dầu toàn cầu vẫn tiếp tục tăng.

Nền kinh tế Mỹ, châu Âu và châu Á vẫn diễn biến trái chiều, phủ bóng đen lên dự báo nhu cầu dầu. Và một vài nhà sản xuất lớn nhất thế giới – kể cả Arab Saudi, các thành viên OPEC và Nga – vẫn tiếp tục bơm dầu với công suất cao nhất. Toàn bộ những điều này có nghĩa rằng dư cung dầu toàn cầu – từng khiến giá dầu tuột dốc – dường như chưa có dấu hiệu sớm dừng lại.

Hơn nữa, một số nhà đầu tư và phân tích dự đoán rốt cuộc trạng thái cân bằng mới sẽ xuất hiện, một dựa vào giả thiết rằng các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có thể phản ứng với giá dầu nhanh hơn nhiều so với các nhà sản xuất dầu thông thường/truyền thống. Một số lại cho rằng điều này có thể đã diễn ra rồi.

Antoine Halff, phụ trách dầu thô và thị trường tại Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết, sản lượng dầu đá phiến sẽ phản ứng mạnh hơn với những biến động về giá. Việc này khiến sự hồi phục giá dầu lần này khác biệt nhiều so với những lần trước.

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ hiện là yếu tố chủ chốt trong nguồn cung toàn cầu – tăng từ gần như 0 thùng lên 3,6 triệu thùng/ngày trong năm 2014, theo IEA. Tuy nhiên con số này vẫn chỉ bằng 1 phần so với sản lượng 30 triệu thùng/ngày của OPEC. Nhưng sản lượng dầu đá phiến có thể điều chỉnh tăng/giảm nhanh hơn so với giếng dầu truyền thống, nghĩa là có thể phản ứng nhanh hơn trước biến động của giá, theo giới phân tích.
 
Các nhà sản xuất dầu đá phiến khoan nhiều giếng dầu hơn các nhà sản xuất dầu truyền thống. Số giếng dầu này có thể khác nhau về chi phí, nhưng để kiềm chế sản lượng, nhà sản xuất chỉ cần giảm tốc độ khoan và hoãn tiến độ hoàn thiện lại. Việc này dễ dàng hơn nhiều so với đóng cửa giếng dầu – vốn tốn kém hơn và mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để đảo chiều.

Giá dầu giảm hơn 50% trong 6 tháng qua cuối năm 2014 và trong vài tuần đầu 2015, dạng biến động chỉ xảy ra 1 lần trong một thập kỷ thậm chí là trong hơn nửa thế kỷ. Giá dầu đã hồi phục từ đầu tháng 2 và đến nay tương đối ổn định.

Giá dầu Mỹ (WTI ngọt nhẹ) đang dao động trong khoảng 47-53 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, đạt 56-62 USD/thùng.

Phiên đầu tuần 16/3, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 4/2015 trên sàn Nymex New York giảm 96 cent, tương đương 2,1%, xuống 43,88 USD/thùng, giảm phiên thứ 5 liên tiếp và ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Trong khi đó, giá dầu Brent, chuẩn toàn cầu, giao tháng 4/2015 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 1,23 USD, tương đương 2,2%, xuống 53,44 USD/thùng, thấp nhất 6 tuần.

Trong tuần kết thúc vào 10/3, các quỹ phòng hộ và nhà quản lý tiền tệ đã giảm 2,5% vị thế mua ròng dầu WTI ngọt nhẹ xuống 181.474 hợp đồng, thấp nhất kể từ tháng 11/2014, theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC).  

Theo ông Georgi S. Slavov, phụ trách nghiên cứu tại Marex Spectron trụ sở ở London, giá dầu có thể đã chạm đáy, ít nhất trong thời điểm hiện tại, khi giá dầu Brent xuống sát 40 USD/thùng trong tháng 1 vừa qua. Ở mức giá này, khoảng ½ sản lượng dầu toàn cầu sẽ không có lãi.

Thực tế, số giàn khoan đang hoạt đọng của Mỹ đã giảm mạnh kể từ khi giá dầu lao dốc trong năm qua. Kể từ tháng 10/2014, số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ giảm gần 50%, xuống thấp nhất 4 năm, theo số liệu của Baker Hughes. Tuy vậy, sản lượng dầu thô của nước này tiếp tục đạt kỷ lục, lên 9,37 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ 1983, chưa kể hơn 3.000 giếng dầu theo ước tính của Wood Mackenzie Ltd và RBC Capital Markets LLC đã được khoan nhưng chưa khai thác.

Nguồn DVO/WSJ