Thứ Hai | 05/06/2017 19:27

Giá dầu biến động nhẹ trước căng thẳng giữa Qatar và Arab Saudi

Căng thẳng Qatar - Arab Saudi có thể không có tác động lâu dài đến giá dầu, nhưng nhà đầu tư nên lưu ý vấn đề này.

Giá dầu đã xóa sạch đà tăng trước đó, khi một cuộc xung đột ngoại giao liên quan đến các thành viên OPEC là  Saudi Arabia và Qatar có tác động hạn chế đến chính sách của nhóm.

Giá dầu tương lai có lúc tăng 1,6% tại New York (dầu WTI), thu hẹp đà giảm giá mạnh nhất trong một tháng, nhưng hiện tại đã giảm 0,3%. 4 nước Saudi Arabia, Bahrain, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Ai Cập cho biết họ sẽ tạm ngừng giao thông hàng không và hàng hải với Qatar, làm leo thang một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ mối quan hệ giữa Qatar với Iran. Hiện tại Qatar vẫn được vận chuyển dầu và khí tự nhiên qua đường hàng hải tới người mua trên toàn thế giới.

Gia dau bien dong nhe truoc cang thang giua Qatar va Arab Saudi
Diễn biến giá dầu WTI. Nguồn: Bloomberg

Trong khi căng thẳng ngoại giao không làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển dầu, nó làm tăng triển vọng gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông. Các nước Arab Saudi, Qatar và Iran đều sử dụng eo biển Hormuz cho việc xuất khẩu dầu. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, ước tính có khoảng 30% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển đi qua eo biển này. Giá dầu thô đã tụt xuống dưới 50 USD/thùng do lo ngại rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ không đủ để làm giảm lượng hàng tồn kho toàn cầu, vì sản lượng của Mỹ vẫn gia tăng.

Tamas Varga, một nhà phân tích của PVM Oil Associates, cho biết: "Với tâm lý bi quan kéo dài trong thị trường dầu mỏ, động thái chưa từng có tiền lệ này có thể không có tác động lâu dài đến giá dầu, nhưng chúng ta nên lưu ý vấn đề này.”

Hôm nay, giá dầu WTI  giao tháng 7 giảm 20 xu xuống còn 47,46 USD/thùng trên sàn giao dịch New York lúc 11:48 sáng ở London. Tổng khối lượng giao dịch cao hơn khoảng hơn 33% so với mức trung bình 100 ngày. Trước đó vào hôm thứ Sáu, giá dầu giảm 70 xu, đóng cửa ở mức 47,66USD/thùng, giảm tổng cộng 4,3% trong tuần.

Giá dầu Brent giao  tháng 8 đã giảm 24 xu xuống còn 49,71 USD/thùng trên sàn giao dịch ICE Futures Europe ở Luân Đôn. Giá hợp đồng này đã giảm 4,2% vào tuần trước. Giá dầu thô chuẩn cho toàn cầu được giao dịch ở mức cao hơn 2,02 USD so với giá dầu WTI giao tháng 8 (giá dầu tại Mỹ).

Theo dữ liệu hôm thứ Sáu từ Baker Hughes, số giàn khoan dầu mỏ ở Mỹ đã tăng 20 tuần liên tiếp, lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2015. Theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng của nước này hiện là 9,34 triệu thùng/ngày.

Một số tin tức khác từ thị trường dầu:

- CEo của Rosneft (Nga) cho biết thỏa thuận của OPEC nhằm hạn chế sản lượng sẽ không ổn định được thị trường về dài hạn, vì dầu đá phiến của Mỹ sẽ lấp đầy nguồn cung thiếu hụt.

- Arab Saudi đã tăng giá bán cho tất cả các loại dầu thô giao tháng 7 tới châu Á, Mỹ và Tây Bắc Châu Âu, khi họ tận dụng nhu cầu gia tăng sau khi các nhà cung cấp cắt giảm sản lượng.

- Các quỹ phòng hộ giảm đặt cược vào đà tăng của giá dầu WTI xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11.


Bá Ước

Nguồn Bloomberg