Giá dầu bất ngờ đảo chiều tăng vào cuối phiên
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 5/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 19 cent, tương ứng 0,5%, lên 35,89 USD/thùng, hồi phục từ mức thấp nhất một tháng ghi nhận hôm thứ Hai 3/3.
Giá dầu Brent giao tháng 6/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 18 cent, tương đương 0,5%, lên 37,87 USD/thùng.
Các nhà phân tích và giới đầu tư cảm thấy khó khăn trong việc giải thích tại sao giá dầu lại bất ngờ tăng vào cuối phiên và cũng có rất ít tin tức giải thích cho hiện tượng này.
Giá dầu được hỗ trợ sau khi Viện Dầu mỏ Mỹ (API) công bố số liệu về lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần qua, trong khi số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố vào sáng thứ Tư 6/4.
Các nhà phân tích trong khảo sát Wall Street Journal dự đoán lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 1/4 tăng 3,3 triệu thùng.
Tuy nhiên, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết, theo số liệu của Viện, lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua giảm 4,3 triệu thùng, nguồn cung xăng giảm 100.000 thùng trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 2,7 triệu thùng.
Thị trường cũng đang theo dõi mọi diễn biến xung quanh phiên họp của các nước sản xuất dầu thô chủ chốt tại Doha vào cuối tháng này để bàn về việc đóng băng sản lượng. Các nước dự định tham gia đã đưa ra những tín hiệu trái chiều về khả năng thành công cũng như hiệu quả của thỏa thuận này.
Commerzbank mô tả đà giảm của giá dầu là “sự điều chỉnh” với những gì mà ngân hàng này coi là mức tăng giả tạo trong tháng qua.
Thời gian qua, giá dầu tăng chủ yếu nhờ hy vọng các nước sản xuất chủ chốt, kể cả Arab Saudi, Nga và một số nước khác, sẽ nhất trí đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016 khi nhóm họp tại Doha vào ngày 17/4 tới đây. Nhưng hy vọng này phần nào lụi tàn khi Arab Saudi khẳng định sẽ chỉ đóng băng sản lượng nếu Iran tham gia trong khi Iran tuyên bố sẽ không đóng băng cho đến khi đạt được mức sản lượng của thời kỳ trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt. Và Nga cũng bất ngờ tăng sản lượng tháng 3 lên mức cao nhất 30 năm qua.
Tuy nhiên, hôm thứ Ba 5/4, thị trường đón nhận một tin tích cực khi Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait cho rằng các nước sẽ đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng.
Đáng chú ý là quý II thường là thời kỳ thấp điểm về nhu cầu dầu thô khi các nhà máy lọc dầu đóng cửa để bảo dưỡng định kỳ.
Trong một diễn biến khác, châu Á có thể đang mua nhiều dầu hơn so với nhu cầu, theo hãng tư vấn Energy Aspects. “Dường như châu Á đang mua quá mức lượng dầu thô và có thể sẽ giảm bớt trong thời gian tới”.
Phan Nguyễn
Nguồn WSJ,MW