Xu hướng giảm giá chung của thế giới cũng sẽ tạo tác động tích cực đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Giá dầu âm tác động thế nào đến thị trường Việt Nam?
Doanh nghiệp kinh doanh dầu thô lo lắng
Hợp đồng tương lai dầu WTI giảm hơn 300% và xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử vào thứ Hai (20.4). Nhiều thông tin lo ngại cú sốc này ảnh hưởng lớn tới ngành kinh doanh xăng dầu, khí cũng như kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than (Bộ Công Thương), giá xăng dầu Việt Nam đang nhập về bán theo giá dầu Brent, không phải dầu WTI. Chưa kể, hiện tượng giá dầu thô WTI xuống mức âm chỉ xuất hiện ở một số giao dịch, còn giá xăng dầu thành phẩm tại hầu hết sàn vẫn ở mức 20-25 USD/thùng. Cùng với đó, Việt Nam khai thác và bán dầu thô, không nhập dầu thô để phục vụ bán lẻ, mà chỉ có một số nhà máy nhập dầu thô về lọc dầu.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, thị trường nhập khẩu chủ yếu của xăng dầu Việt Nam là Singapore, nên sẽ không chịu tác động nhiều từ diễn biến tại Mỹ. Mức giá ngày 21.4 ở thị trường này ở ngưỡng 25 USD/thùng. Bên cạnh đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo Nghị định 83 với cơ chế tính giá cơ sở bình quân theo 15 ngày. Mặt khác, hiện tỉ lệ thuế, phí chiếm trên 60% trong cơ cấu giá bán lẻ, đáng kể nhất là thuế bảo vệ môi trường 3.800 đồng/lít với xăng E5 RON92 và 4.000 đồng/lít với RON95.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu thế giới giảm chắc chắn có tác động đến Việt Nam. Xu hướng giảm giá chung của thế giới cũng sẽ tác động tích cực đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Vì thế nhà điều hành cần tính toán các phương án, đưa giá bán lẻ trong nước giảm tương xứng với giá thế giới, tránh độ vênh giá quá lớn.
Cụ thể, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đang thảo văn bản gấp rút gửi đến Bộ Công Thương đề nghị cho nhập khẩu xăng dầu lúc này, bởi giá bán đang có lợi cho nền kinh tế hồi phục sau khi dịch COVID-19 qua đi. Nếu so sánh với trước kia, giá dầu thấp nhất cũng chỉ khoảng 45 USD/thùng, thì mức giá khoảng 22 USD/thùng cho dầu thô giao tháng 6 và tăng lên 28 USD/thùng giao tháng 7 là cực kỳ cạnh tranh. Dầu Brent hợp đồng tháng 6 giảm còn 26,13 USD/thùng cũng là mức rất thấp.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, giá dầu thô giảm quá sâu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh dầu thô trong nước. Đối với các doanh nghiệp ngành dầu mỏ sẽ chịu tác động của đợt giảm giá kỷ lục này.
Giá dầu WTI sụt giảm đến mức chưa từng có trước nay. |
Ngay trong phiên giao dịch sáng 21.4, hàng trăm cổ phiếu bị nhà đầu tư liên tục đặt lệnh bán ra. Trong đó, xăng dầu là một trong những nhóm cổ phiếu thiệt hại lớn. Cụ thể, mã GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam giảm 5,96% xuống còn 64.700/cổ phiếu, mã PLX thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam giảm 6,61% xuống 2.900 đồng/cổ phiếu, mã PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí rớt 6,89% giá trị xuống còn 9.730 đồng/cổ phiếu... Hiện nay, trên thị trường chứng khoán, chỉ có PSI là giữ mức giảm ít, các đơn vị khác sẽ giảm mạnh, theo thị trường thế giới.
Mới đây, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng cho biết, đang xem xét phương án dừng vận hành nhà máy một thời gian. Lý do được công ty này đưa ra là bởi giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm sâu, tình hình dịch bệnh khiến nhu cầu vận tải giảm mạnh, kéo theo tiêu thụ xăng dầu thấp, giảm 30-40% so với cùng kỳ các năm.
Nguồn thu ngân sách không bị ảnh hưởng quá lớn
Việt Nam vừa xuất vừa nhập khẩu dầu nhưng lượng xuất thấp hơn nhập, do đó, giá dầu xuống thấp thì nền kinh tế được hưởng lợi, doanh nghiệp sản xuất đỡ khó khăn sẽ giúp cải thiện nguồn thu nội địa.
Theo Bộ Tài chính, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 được xây dựng trên giá dầu dự báo khoảng 60 USD/thùng, do đó với mức giảm mạnh như hiện nay, chắc chắn sẽ tác động làm giảm nguồn thu. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có sự thay đổi về cơ cấu nguồn thu nên số thu từ dầu thô hiện chỉ chiếm chưa đến 3% tổng thu ngân sách. Vì vậy, tác động từ việc giảm giá dầu không quá lớn đến nguồn thu ngân sách.
Nếu như bình quân giai đoạn năm 2011-2015, thu từ dầu thô chiếm khoảng 13% tổng thu ngân sách thì đến giai đoạn 2016-2018 đã giảm mạnh xuống còn khoảng 4%. Đến năm 2019, nguồn thu từ dầu thô ước chỉ chiếm 3,2% tổng thu ngân sách.
Dự toán năm 2020, thu từ dầu thô là 35.200 tỉ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước và giảm 11.600 tỉ đồng so với thực hiện năm 2019 trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước ước đạt khoảng 9,02 triệu tấn. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, quý I/2020, số thu ngân sách từ dầu thô đạt xấp xỉ 14.600 tỉ đồng, bằng 41,4% dự toán và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2019.