Giá cổ phiếu Techcombank giảm mạnh, khoét sâu vấn đề sở hữu
Cổ phiếu của Ngân hàng Techcombank (mã chứng khoán: TCB) liên tục giảm mạnh và phải chịu thêm áp lực nếu các cổ đông ngoại mua TCB chỉ để “thăm dò, tìm kiếm cơ hội và tạo lập quan hệ với ngân hàng”, theo Tiến sỹ kinh tế Phan Minh Ngọc.
Không tính hết tác động
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6.6, cổ phiếu TCB giảm 4,2% xuống còn 92.000 đồng/cổ phiếu. Dù chỉ mới lên sàn HOSE vào ngày 4.6 với giá 128.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau 3 phiên giao dịch, giá TCB đã giảm tới 28%.
Tính theo mức giảm giá này, vốn hóa của Techcombank đã “bốc hơi” gần 42.000 tỷ đồng so với định giá ngày giao dịch đầu. Hiện, vốn hóa ngân hàng chỉ còn 97.400 tỷ đồng, khoảng 4,3 tỷ USD, xếp thứ 4 trong nhóm ngân hàng niêm yết.
Như vậy, khoản đầu tư của các nhà đầu tư ngoại đã bốc hơi 258 triệu USD, ttương đương 5.745 tỷ đồng. Mức giá chào sàn 128.000 đồng của Techcombank cũng là mức giá mà ngân hàng này đã bán thành công 64,4 triệu cổ phiếu quỹ đợt 2 cho nhà đầu tư nước ngoài.
Việc mua nhanh, bán nhanh của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại, đã tạo ra sự chao đảo trong thị trường và cổ phiếu của ngân hàng cũng vì thế chịu tác động. Thế nhưng, Techcombank đã không tính hết tác động từ bán “chốt lời” của các cổ đông nhỏ lẻ, cũng như khả năng rút lui của các cổ đông ngoại, trong khi mức sở hữu của khối ngoại chiếm 22,5% tại ngân hàng này.
“Lách” quy định là không khó
Thực ra, cổ phiếu của ngành ngân hàng thời gian qua tăng giá trị rất lớn nhưng cũng trải qua những biến động rất mạnh. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói với NCĐT về những chồi sụt này, cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thực sự ổn định và bền vững, trong đó có câu chuyện cổ phiếu của các ngân hàng.
Năm 2017, VN Index đã tăng từ 600 điểm lên tới 800 điểm rồi lên tới 900 điểm, gần 1.000 điểm. Sang năm 2018 tăng lên trên 1.000 điểm, thậm chí có lúc lên gần 1.200 điểm, sau đó rớt xuống hơn 900 điểm để bây giờ lại ngoi lên hơn 1.000 điểm. Cổ phiếu của Techcombank nhiều khả năng nằm trong tình trạng này.
Techcombank đang hứng chịu những tác động nặng nề, sự sụt giảm tổng tài sản của ngân hàng và áp lực từ những "cáo buộc" về việc thông qua cổ đông, đặc biệt là cổ đông ngoại, để thâu tóm cổ phiếu.
Ở khía cạnh nào đó, những chỉ trích không phải là thiếu căn cứ, khi ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT và gia đình nắm giữ tới 198,46 triệu cổ phiếu TCB, hơn 17% vốn. Hay ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, kiêm Phó Chủ tịch tại Techcombank, sở hữu tới 178 triệu cổ phiếu của chính ngân hàng này.
Theo quan sát của TS Hiếu, tình trạng cá nhân đang thông qua người thân, hoặc cổ đông nội thông qua cổ đông ngoại, để thâu tóm cổ phiếu của ngân hàng đã tồn tại ở Việt Nam nhiều năm nay, cho thấy vấn đề sở hữu chéo vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.
Ông Hiếu, người Việt Nam đầu tiên lập ngân hàng tại Mỹ, nói rằng, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, là huyết mạch của một quốc gia, nên được quốc gia và hệ thống chính trị bảo vệ. Song cũng chính sự bảo vệ này khiến việc trục lợi từ ngân hàng trở nên “hấp dẫn” đối với một người hay một nhóm người.
Theo đó, việc dùng danh nghĩa của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài để thâu tóm cổ phiếu, TS. Hiếu nói, một cách để những người nắm quyền lực trong ngân hàng trục lợi, bất chấp việc gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế.
Dẫn chứng những vụ án gần đây, TS. Hiếu chỉ rõ, việc dùng quyền lực để trục lợi của những cá nhân có quyền lực trong ngân hàng là tác nhân chính dẫn đến sự chao đảo của hệ thống ngân hàng. Ông nói: “Chỉ những người có quyền lực mới có khả năng nắm giữ cổ phiếu vượt quy định”.
Tại Mỹ, vấn đề sở hữu chéo khó xảy ra hơn. Theo quy định của Mỹ, một cổ đông được nắm giữ tỷ lệ 10% cổ phiếu và doanh nghiệp là 5%. Người Mỹ cho rằng, các doanh nghiệp lợi dụng các ngân hàng nhiều hơn cá nhân.
Thế nhưng cách làm ngân hàng của Việt Nam khác Mỹ khi quy định, các cá nhân được sở hữu dưới 5% và cho phép các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sở hữu đến 15%. Trên thực tế, ông Hiếu nói rằng: “Việc lách qua quy định này là không khó với các ngân hàng”.
Vị chuyên gia Việt kiều này cho rằng, tính chính xác về tỷ lệ cổ đông, nhất là cổ ngoại, ở các ngân hàng cần được Ngân hàng Nhà nước “suy xét kỹ”. Cạnh đó là điều tra một cách kỹ càng vấn đề sở hữu cổ phiếu ở các ngân hàng.
Quan trong hơn, TS. Hiếu cho rằng, Việt Nam cần giải quyết vấn đề sở hữu chéo để ngân hàng phát triển lành mạnh hơn. Những vi phạm liên quan đến sở hữu chéo phải được “ngăn chặn một cách nghiêm chỉnh, thậm chí xử lý hình sự”.