Thứ Ba | 13/05/2014 11:06

Giá cao su giảm, sản lượng tăng

Giá cao su tương lai tại Tokyo có thể giảm tiếp 11%, xuống còn 180 yên/kg (1.761 USD/tấn), trong khi dư thừa sản lượng sẽ vượt mức 714.000 tấn của năm ngoái.
Các nhà sản xuất cao su tự nhiên dùng cho sản xuất lốp xe đang gây ra tình trạng dư thừa toàn cầu trong năm thứ 4 liên tiếp, khiến giá bán cao su giảm, biến cao su trở thành hàng hóa yếu kém nhất trong số các mặt hàng chủ lực.

Năm 2014, sản lượng cao su sẽ tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe hơi, gây ra dư thừa nguồn cung lớn nhất trong thập niên qua. Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (International Rubber Study Group) hôm 2/5 ước tính mức dư thừa này cao gấp 3 lần so với dự báo hồi tháng 12/2013. Theo kết quả khảo sát 13 nhà phân tích mà Bloomberg News thực hiện, giá cao su tương lai tại Tokyo, đã giảm 62% so với mức kỷ lục năm 2011 sau khi chạm mức thấp nhất hồi tháng trước, có thể giảm tiếp 11%, xuống còn 180 yên/kg (1.761 USD/tấn) trong năm nay.

Mức giá thấp hơn trên thị trường cao su trị giá 26 tỷ USD đang gây thất vọng về doanh thu của các nhà sản xuất lốp xe, kể cả Pirelli & C.SpA và Bridgestone, và làm giảm lợi nhuận của nông dân trồng cao su. Mặc dù nước sản xuất hàng đầu, Thái Lan, đang tiến hành các biện pháp để kiềm chế sản lượng, nhưng các nước trồng cao su chi phí thấp hơn, kể cả Việt Nam và Indonesia, vẫn thu được lợi nhuận và hiện chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy 2 nước này sẽ cắt giảm sản lượng.

Theo IRSG, tổ chức có trụ sở tại Singapore, dư thừa sản lượng năm nay sẽ vượt qua mức 714.000 tấn của năm ngoái. Rubber Economist Ltd, công ty tư vấn có trụ sở tại London, ước tính lượng dư thừa sẽ đạt 652.000 tấn, cao hơn 78% so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 12/2013.

Cũng theo ước tính của Rubber Economist, mặc dù Thái Lan có thể cắt giảm 80.000 tấn sản lượng cao su, xuống còn 4,06 triệu tấn trong năm nay, nhưng tổng sản lượng của Indonesia và Việt Nam sẽ tăng thêm 97.000 tấn, lên 4,13 triệu tấn. Sản lượng cao su của Thái Lan, Indonesia và Việt Nam chiếm khoảng 2/3 sản lượng cao su toàn cầu.

Giá giảm

Theo Fujitomi Co., công ty môi giới tại Tokyo, Indonesia và Việt Nam đang cạnh tranh giành thị phần lớn hơn trên thị trường cao su vốn đang chịu sự thống trị của Thái Lan, nước cung cấp 1/3 sản lượng cao su toàn cầu.

Mức lương thấp hơn có nghĩa là chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp hơn, Việt Nam hiện là nước cung cấp cao su lớn thứ 3 thế giới. Chi phí sản xuất tại Việt Nam hiện thấp hơn Thái Lan 15%, và Indonesia 10%, theo Takaki Shigemoto, nhà phân tích tại JSC Corp tại Tokyo. Hồi tháng 2, ông này cũng dự đoán rằng giá cao su sẽ giảm.

Tháng 8/2012, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã nhất trí hạn chế xuất khẩu, cắt hạ cây cao su già cỗi và giảm lượng hàng lưu kho nhằm đối phó với việc giá bán sẽ giảm. Giá bán cao su tăng trở lại vào tháng 2/2013. Kể từ đó, giá cao su tương lai giảm 40% và tháng trước chạm mức 196,7 yên, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009.

Thời tiết bất lợi

International Rubber Consortium hôm 14/3 cho biết, độ ẩm không khí giảm có thể làm giảm 8% sản lượng cao su của Thái Lan, Indonesia và Malaysia trong năm 2014.

Lượng ô tô mới được đưa vào sử dụng tăng lên nghĩa là nhu cầu cao su để sản xuất lốp xe cũng tăng theo. Doanh số bán xe hơi và xe tải nhẹ toàn cầu sẽ tăng 5%, lên mức kỷ lục 88,4 triệu xe trong năm nay, theo ước tính của LMC Automotive Ltd, công ty nghiên cứu tại Oxford, Vương quốc Anh.

Theo dự báo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, doanh số bán ô tô năm nay của nước này sẽ tăng 10%. Trung Quốc hiện là nước sử dụng lớn nhất cao su. Trong khi đó, Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên, cho rằng, nhập khẩu cao su của Trung Quốc sẽ tăng 11%, lên 4,26 triệu tấn.

Theo báo cáo hàng quý của Rubber Economist, sản lượng cao su toàn cầu năm nay có thể tăng 1,1%, đạt 12,2 triệu tấn, trong khi nhu cầu sử dụng tăng 1,7%, lên 11,5 triệu tấn.

Nguồn Theo DVO/Bloomberg


Sự kiện