Thứ Hai | 07/04/2014 07:38

Giá cao su có xu hướng giảm mạnh khi cung vượt cầu

Giá cao su thế giới đã giảm 60-70% kể từ tháng 3.2011, khiến doanh nghiệp ngành này lao đao.

Thời kỳ hoàng kim của các doanh nghiệp cao su ngày càng lùi xa khi giá cao su thế giới ngày càng giảm với mức giảm lên tới 60-70% kể từ tháng 3.2011. Điều này đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp ngành này. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), chẳng hạn, có lợi nhuận trước thuế năm 2013 chỉ bằng 67% năm 2012 và 47% năm 2011.

Cung vượt cầu

Đằng sau câu chuyện lợi nhuận giảm mạnh là tình trạng thừa cung do nhà nhà trồng cây cao su trong khi cầu lại tăng chậm.

Những năm 2000-2012, trong top 5 nước trồng nhiều cao su nhất thế giới gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Ấn Độ, chỉ có Malaysia giảm diện tích trồng, các quốc gia còn lại đều tăng diện tích với tốc độ bình quân 4,7%/năm. Trong đó, Việt Nam tăng tới 7%, cao nhất thế giới.

Kết quả tất yếu là cung cao su bắt đầu vượt cầu từ năm 2011 và kéo dài suốt 3 năm nay. Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), cho biết trong 3 quý đầu năm 2013, cung đã dư thừa so với cầu tới 149.000 tấn. Đến năm 2014, sản lượng dư thừa sẽ tăng lên gấp 2,4 lần con số này, theo tính toán của hãng tư vấn hàng hóa RCMA Commodities Asia Pte.

Trong khi đó, lượng tiêu thụ trên thế giới lại tăng không đáng kể trong năm 2011 và 2012, do khó khăn của kinh tế toàn cầu. Theo Hiệp hội Các nước Sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), có đến 68% lượng cao su thiên nhiên được dùng để sản xuất vỏ lốp xe. Vì thế, khi công nghiệp ôtô - xe máy gặp khó, các nước đã phải giảm mạnh lượng tiêu thụ cao su. Trung Quốc là nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, đang có lượng dự trữ cao nhất kể từ năm 2004. Nhập khẩu cao su của nước này cũng đã giảm mạnh trong những năm gần đây do sản xuất bị thu hẹp và nguồn cung nội địa đã tăng lên đáng kể.

Theo Giám đốc Khu vực miền Nam của một công ty sản xuất vỏ lốp xe (không muốn nêu tên), nhu cầu cao su năm 2014 cũng rất khó tăng, do nhu cầu vỏ lốp xe hầu như không tăng. Riêng ở công ty ông, tính đến quý I/2014, nhu cầu về cao su thiên nhiên vẫn không tăng so với cùng kỳ năm 2010 và 2011.

Chính vì cung tăng mạnh trong khi cầu tăng chậm nên giá đã giảm suốt 3 năm qua. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG, cho rằng khó có thể kỳ vọng vào sự chuyển biến trong năm 2014. "Thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên vẫn chưa thể tăng trưởng đột biến do những khó khăn chung của kinh tế thế giới, trong khi nguồn cung lại tăng mạnh, nên giá sẽ khó tăng trong năm 2014", ông nói.

Trồng - chặt, chặt - trồng

Theo ANRPC, diện tích trồng và thu hoạch cao su tại Việt Nam đã tăng đều qua các năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng diện tích trồng cao su giai đoạn 2008-2012 là cao nhất, khi doanh nghiệp và người dân đua nhau mở rộng diện tích. Hiện nay, diện tích trồng cao su cả nước đã vượt quá quy hoạch tính đến năm 2015.

Trả lời báo giới gần đây, ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông, cho biết dù Tỉnh đã nhiều lần khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích cao su ồ ạt, nhưng do giá cao su những năm trước quá cao nên người dân vẫn đua nhau trồng.

Điều đáng nói là khu vực tiểu điền (hộ nông dân) chiếm tỉ trọng cao nhất về diện tích trồng cây nhưng chỉ chiếm hơn 20% sản lượng, do năng suất của khu vực này thấp hơn nhiều so với khu vực đại điền (công ty nhà nước) và công ty tư nhân.

Kết quả của tăng cung ồ ạt là sản lượng của Việt Nam đã đạt trên 1 triệu tấn lần đầu tiên vào năm 2013 và trở thành quốc gia có sản lượng lớn thứ ba trên thế giới, sau Indonesia và Thái Lan. Trong khi đó, nhu cầu trong nước chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng.

Sản lượng lớn nhưng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cao su thiên nhiên dạng thô nên giá trị mang lại từ sản phẩm chưa cao. Và vì chất lượng thấp nên giá cao su luôn thấp hơn so với Thái Lan và Malaysia. Cái khó là chưa có quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su, nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su.

Hiện tại, tình hình của doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn khi giá ngày càng giảm xuống. Đại diện một công ty trồng cao su lớn ở Đông Nam Bộ (không muốn nêu tên) cho biết mức giá trên thị trường đang thấp hơn hoặc bằng giá thành sản xuất tùy từng doanh nghiệp. Ông cũng đánh giá thị trường cao su sẽ còn tiếp tục khó khăn trong năm 2014.

Còn ông Nguyễn Thanh Phong, chủ trang trại cao su tại Củ Chi, thì khuyến cáo tình trạng chặt bỏ cây đang tiếp diễn khi nhiều hộ nông dân thấy giá giảm, trong khi trồng cây ngắn ngày hoặc chăn nuôi lại có lời hơn.

Điều này không có gì lạ khi từ trước đến nay, người dân Việt Nam luôn ở trong vòng luẩn quẩn "trồng - chặt, chặt - trồng" vì chạy theo các loại cây có giá tăng mạnh; đến kỳ thu hoạch mà giá rớt thì họ lại chặt bỏ và trồng cây khác. Tình trạng này khiến cho quy hoạch của nhiều địa phương bị phá vỡ và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đi tìm lối thoát

Để cân đối cung cầu, đẩy giá cao su tăng trở lại, Công ty Cao su Quốc tế Ba bên (IRCo), do 3 nước sản xuất cao su lớn thế giới gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia thành lập, cam kết sẽ giảm 10% sản lượng khai thác. IRCo đã đề nghị Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) khuyến cáo hội viên không bán cao su với giá quá thấp.

Một thuận lợi là thời tiết khô hạn ở khu vực Đông Nam Á cũng đã làm giảm sản lượng cao su và thị trường xe ôtô thế giới đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc mạnh hơn trong năm 2014. Đây là lý do để doanh nghiệp trồng cao su kỳ vọng giá sẽ tăng được ít nhiều so với hiện tại.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các nước cần xem xét lại quy hoạch tổng thể và đưa ra một chiến lược phát triển cây cao su dài hạn. Nếu diện tích cao su được quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ từ đầu cũng như hiệu quả của việc dự báo cung cầu được nâng cao thì sẽ có thể cân đối đầu ra cho sản phẩm dễ dàng hơn.

Trả lời báo giới, Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng VRA, cho biết VRA đang cùng hội viên đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thế giới. Bà cũng cho biết VRA đã đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su và đồ gỗ cao su xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu cho ngành và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp


Sự kiện