Thứ Năm | 28/08/2014 10:01

Giá cá tra biến động, lợi nhuận các doanh nghiệp ngành cá tăng 20%

"Vua cá" HVG giữ vị trí dẫn đầu trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cùng ngành. Cổ phiếu VHC tăng giá gần 61% trong 3 tháng.
Tổng quan thị trường 6 tháng đầu năm
Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, sản lượng cá tra 6 tháng đầu năm đạt 2.128 nghìn tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn do giá thức ăn tăng cao, giá tiêu thụ sản phẩm giảm, các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU bị thu hẹp.

Giá cá tra nguyên liệu trong những tháng đầu năm 2014 không ổn định, tăng cao nhất vào tháng 4 khoảng 26.000 đồng/kg, giảm thấp nhất khoảng 21.000 đồng/kg vào tháng 5 và kéo dài đến giữa tháng 6. Đây cũng là mức giá tạo đáy trong nửa đầu năm 2014.

Tuy nhiên, giá cá tra nguyên liệu 6 tháng đầu năm 2014 vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 ở mức từ 650 - 4.050 đồng/kg (mức tăng từ 3,2%-18,7%). Mức cao nhất tập trung vào giữa tháng 3 và tháng 4.

Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 824 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ.

Ba thị trường nhập khẩu chính cá tra Việt Nam tại EU là Tây Ban Nha, Đức và Hà Lan giảm nhập khẩu trung bình khoảng 14.300 tấn trong 3 năm qua; giá xuất khẩu cũng giảm liên tục, từ 2,05 euro/kg năm 2012 xuống 1,76 euro/kg năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 là 1,74 euro/kg.

Nhằm đưa ra các biện pháp kiểm soát hiệu quả việc tuân thủ quy định về chất lượng của thị trường nhập khẩu, hạn chế gian lận về chất lượng sản phẩm, vừa qua Chính phủ có ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 20/6/2014.
Lợi nhuận sau thuế quý II/2014 tăng 20% so với cùng kỳ 2013

Hiện, trong số 10 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra niêm yết trên sàn thì duy nhất có Công ty cổ phần Việt An (mã AVF) chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2014.

Các doanh nghiệp còn lại đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2014, gồm: Công ty Cổ phần Thủy sản Mekong (mã AAM); Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (mã ABT); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã ACL); Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (mã AGF); Công ty Cổ phần Nam Việt (mã ANV) và Công ty Cổ phần NTACO (mã ATA); Công ty Cổ phần Hùng Vương (mã HVG); Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (mã VHC); Công ty cổ phần Thủy sản số 4 (mã TS4).

Tổng doanh thu quý II/2014 của 9 doanh nghiệp chế biến cá tra niêm yết là 7.197 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 5 doanh nghiệp tăng về doanh thu, 4 doanh nghiệp lại giảm so với quý II/2013.

v
Đơn vị: tỷ đồng.
Nguồn: Gafin/BCTC Các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất và cũng có quy mô doanh thu lớn nhất thuộc về HVG với doanh thu 3.715 tỷ đồng, tăng 40%. ACL có mức doanh thu giảm sâu nhất với con số giảm 24%.

ATA là doanh nghiệp có doanh thu quý II/2014 thấp nhất trong 9 doanh nghiệp với 69 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2014 đạt 278,18 tỷ đồng, tăng 21% so với quý II/2013.

v
Đơn vị: tỷ đồng.
Nguồn: Gafin/BCTC các doanh nghiệp.

HVG cùng với vị trí đứng đầu về doanh thu thì tiếp tục giữ vị trí cao nhất về lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, lợi nhuận của HVG quý này đã giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với HVG, TS4 cũng bị giảm 17% lợi nhuận trong quý II.

Các doanh nghiệp còn lại đều có mức tăng trưởng về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước, ACL tăng trưởng cao nhất với mức tăng 400% về lợi nhuận.

Lợi nhuận sau thuế của ATA ở vị trí thấp nhất với 0,18 tỷ đồng.

b
Đơn vị: %.
Nguồn: Gafin/BCTC các doanh nghiệp.

Biên độ lợi nhuận gộp của 9 doanh nghiệp trong quý II/2014 trung bình ở mức 16%. ATA có biên độ lợi nhuận cao nhất, tương đương 32%, thấp nhất thuộc về HVG với chỉ 6%.

Biên độ lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm trung bình đạt 15%

Nửa đầu năm 2014, doanh thu của 9 doanh nghiệp chế biến cá tra đạt 14.149 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu của 4 doanh nghiệp giảm, 5 doanh nghiệp tăng.

b
Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: Gafin/BCTC các doanh nghiệp.


Tiếp tục đứng đầu về quy mô doanh thu là HVG với 7.474 tỷ đồng, chiếm 53% tổng doanh thu. Doanh thu thấp nhất vẫn là ATA với 123 tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 của 9 doanh nghiệp đạt 519 tỷ đồng, tăng 20% so với 6 tháng đầu năm 2013.

b b
Đơn vị: tỷ đồng.
Nguồn: Gafin/BCTC các doanh nghiệp.

HVG vẫn đứng ở vị trí đầu tiên về lợi nhuận với 256 tỷ đồng.

Lợi nhuận ACL giảm sâu nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành với mức giảm 260%. AAM có mức tăng lợi nhuận 133%, cao nhất trong các doanh nghiệp.

Biên độ lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm của 9 doanh nghiệp trung bình đạt 15%, tương đương cùng kỳ năm 2013. ABT có biên độ lãi gộp cao nhất, đạt 24%; thấp nhất biên độ lãi gộp là HVG với 8%.

t
Đơn vị: %.
Nguồn: Gafin/BCTC các doanh nghiệp.

Giá trị tồn kho tương đương cùng kỳ năm trước

Giá trị tồn kho của 9 doanh nghiệp chế biến cá tra trong 6 tháng đầu năm đạt 8.195 tỷ đồng, tương đương mức tồn kho cùng kỳ năm trước.

HVG có lượng tồn kho lớn nhất với 3.569 tỷ đồng, chiếm 44% giá trị tồn kho của 9 doanh nghiệp. Vị trí thứ 2 thuộc về VHC với giá trị tồn kho 1.200 tỷ đồng.

Hệ số nợ trung bình 56%

Kết thúc nửa đầu năm 2014, tỷ lệ nợ/tổng tài sản trung bình của 9 doanh nghiệp đạt 56%, trong đó 6/9 doanh nghiệp có hệ số nợ cao trên mức trung bình.

f
Đơn vị: %.
Nguồn: Gafin/BCTC các doanh nghiệp.

ATA có hệ số nợ cao nhất ngành, đạt 81%. "Vua cá" HVG có hệ số nợ ở mức 70%, cao hơn mức trung bình.

Giá cổ phiếu ngành cá tra tăng ít hơn VN-Index

Về giá, trong 3 tháng gần đây, giá cổ phiếu của 9 doanh nghiệp tăng trung bình 8%, thấp hơn mức giá cổ phiếu của VN - Index là 12,87%.

f
Biến động giá cổ phiếu của 9 doanh nghiệp niêm yết trong 3 tháng tính tại ngày 26/8/2014.

Cổ phiếu VHC tăng giá mạnh nhất, tăng gần 61% trong 3 tháng.

3 cổ phiếu AAM, AGF và ATA giảm giá, trong đó cổ phiếu ATA giảm giá tới 7,41% và là cổ phiếu có giá giảm sâu nhất đến thời điểm này.

"Vua cá" HVG có giá cổ phiếu khá ổn định, dao động quanh mốc 21.600 cổ phiếu với mức tăng 0,99% trong vòng 3 tháng.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện