Giá cà phê trong nước tăng cao, tiến sát mốc 100.000 đồng/kg. Ảnh: TL.

 
Kim Anh Thứ Năm | 28/03/2024 14:32

Giá cà phê trong nước tiến sát mốc 100.000 đồng/kg

Số liệu từ Giacaphe.com, ngày 28/3 giá cà phê trong nước đã vượt mốc 99.000 đồng/kg và đang tiến sát mốc 100.000 đồng/kg.

Trong đó, Đắk Nông là tỉnh thu mua cà phê với giá cao nhất, 99.800 đồng/kg, trong khi giá ở các tỉnh khác như Đắk Lắk, Lâm Đồng và Gia Lai cũng dao động trong khoảng 99.300-99.600 đồng/kg. 

Một số đại lý thu mua cà phê ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho hay, do nguồn cung tại thị trường đang khan hiếm nên giá được đẩy lên cao. Một phần do trước đó nhiều gia đình đã chốt giá khi cà phê lên mức 70.000-80.000 đồng. 

Về phía người dân, bên cạnh những niềm vui khi giá cà phê tăng cao thì đâu đó cũng là những nỗi lo. Chia sẻ với NCĐT, ông Trọng Quý (Di Linh, Lâm Đồng) cho hay, giá cà phê tăng cao khiến người dân rất phấn khởi, vì giá năm nay đã gần gấp đôi so với thời điểm năm ngoái. Tuy nhiên, giá cà phê tăng cao, các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu cũng tăng, hay các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng “chóng mặt”. 

Giá cà phê trong nước cập nhật ngày 28/3. Nguồn: Giacaphe.com
Giá cà phê trong nước cập nhật ngày 28/3. Nguồn: Giacaphe.com

Ông Quý bày tỏ, dĩ nhiên giá cà phê tăng cao, người dân ai cũng vui, và lên cao được bao nhiêu thì lại vui bấy nhiêu. Tuy nhiên, nếu giá cà phê được kéo lên quá cao, sẽ khiến người dân có một vùng mỏ neo lớn. Khi giá cà phê tăng cao, người dân tập trung sản xuất nông nghiệp, nhiều người cũng đầu tư vốn lớn hơn vào cà phê. Nhưng nếu chẳng may khi đầu tư xong và đến giai đoạn thu hoạch, giá cà phê giảm xuống, thì những người đầu tư lớn sẽ bị lỗ. Còn những người có sẵn cà phê thì cũng phần nào thất vọng và có thể giảm bớt sự nhiệt huyết dành cho cây trồng này. 

Khi được hỏi về thời điểm sẽ chốt giá số cà phê trong vụ mùa vừa qua, bà Ninh (vợ ông Quý) cho hay: “Giá cà phê đang lên nên gia đình cũng chưa có ý định bán và vẫn đang chờ đợi thêm. Nhưng nếu thấy giá giảm mạnh, thì gia đình sẽ bán ngay”. 

Hình ảnh minh họa về cơn sốt hoa tulip trong lịch sử. Ảnh: Historydefined
Hình ảnh minh họa về cơn sốt hoa Tulip trong lịch sử. Ảnh: Historydefined.

Ở góc độ là các đại lý thu mua cà phê, tìm hiểu của Phóng viên NCĐT cho thấy, nhiều đại lý đã lâm vào tình trạng nợ nần do giá cà phê tăng cao. Cụ thể, khi giá cà phê tăng lên 70.000-80.000 đồng/kg, nhiều đại lý dự báo đã là “đỉnh” và đã thực hiện bán khống cà phê, tức là “mượn tạm” cà phê mà người dân đang ký gửi để bán cho các doanh nghiệp rồi sẽ mua lại cà phê khi giá giảm của những người dân khác để bù vào phần “đã vay”. Tuy nhiên, giá cà phê thời gian qua chỉ có những nhịp chững lại và không giảm đáng kể, khiến nhiều chủ đại lý không có đủ nguồn lực để bù đắp “phần đã vay” khiến tình trạng nợ nần ngày càng nghiêm trọng. 

Trên thực tế, từ những cơn sốt đất, sốt “chứng”, sốt vàng hay bất kỳ các mặt hàng nào khác, bên cạnh những khoản lợi nhuận hậu hĩnh từ “cơn sốt giá” đem lại, thì luôn tồn tại những hệ lụy. Điều này một phần cũng bắt nguồn từ tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ) của nhà đầu tư. Và có lẽ, dù ở thời điểm nào thì bài học từ lịch sử từ câu chuyện bong bóng hoa Tulip vẫn luôn có những giá trị nhất định. 

Có thể bạn quan tâm 

Vàng ròng tín chỉ carbon