Giá cà phê khó đạt kỳ vọng?
Điều này đang gây ra mối lo ngại khi mà niên vụ cà phê 2015/2016 đã cận kề.
Cuối tuần qua, dân trồng cà phê lại thêm một phen méo mặt khi giá cà phê tiếp tục xuống thấp, chỉ còn 34.000 đ/kg (giảm 1.000 đ/kg so với tuần trước đó).
Nếu so với đầu niên vụ 2014/2015, khi giá cà phê ở mức 40.000-41.000 đ/kg, thì giá cà phê giữa tháng 9 này đã giảm quá mạnh với mức giảm tới 6.000-7.000 đ/kg.
Giá cà phê trên thị trường thế giới cũng chẳng sáng sủa gì. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước tại sàn London (thường dùng để tham chiếu cho cà phê Việt Nam), giá kỳ hạn với cà phê Robusta chỉ còn 1.552 USD/tấn, giảm 47 USD/tấn so với tuần trước đó, và giảm rất mạnh so với đầu niên vụ (trên 2.200 USD/tấn).
Giá cà phê không tăng lên như mong muốn mà lại tiếp tục giảm xuống, càng khiến cho người trồng cà phê thêm lo lắng, khi mà lượng cà phê đang tồn trữ trong dân là không nhỏ.
Ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia trong ngành hàng cà phê, cho rằng, việc còn tồn trữ một lượng cà phê không nhỏ trong dân, trước hết là bởi hoạt động đầu cơ nhỏ lẻ trên thị trường từ đầu niên vụ.
Đầu niên vụ 2014/2015, giá cà phê ở mức 40.000-41.000 đ/kg, nên nhiều hộ nông dân và nhiều thương lái, đại lý cho rằng đến cuối niên vụ giá sẽ còn cao hơn. Vì thế, họ đã giữ cà phê lại, đợi giá lên mới bán.
Nhưng nguyên nhân quan trọng hơn cả là nông dân trồng cà phê ở các nước XK lớn khác đang có điều kiện bán ra tốt hơn nhiều so với người trồng cà phê Việt Nam, bởi đồng nội tệ ở những nước này giảm giá quá mạnh so với đồng đô la.
Trong vòng 1 năm qua, đồng peso Colombia đã giảm giá tới 60%, đồng real Brazil giảm trên 50%, đồng rupiah của Indonesia giảm 20%.
Trong khi đó, đồng tiền Việt Nam tuy cũng đã giảm giá so với đô la Mỹ, nhưng mức giảm mới chỉ khoảng 6-7%. Mà ở những nước đồng nội tệ giảm giá càng mạnh thì giá cả cà phê mua bán trên thị trường lại càng cao, bất chấp giá cà phê kỳ hạn (tính bằng đô la) trên các sàn giao dịch quốc tế là bao nhiêu.
Chính vì vậy, giá cà phê ở thị trường nội địa Việt Nam hiện thấp hơn khá nhiều so với giá cà phê giao dịch nội địa ở Brazil, Colombia, Indonesia… Do đó, nông dân Việt Nam đang rất khó bán cà phê nếu so với nông dân các nước nói trên.
Ngoài ra, do giá cà phê trên thị trường quốc tế giảm xuống quá nhiều, khiến cho các doanh nghiệp nếu thực hiện XK cà phê rồi thu đô la về, chắc chắn sẽ bị lỗ không nhỏ.
Nguyên nhân này cũng ảnh hưởng XK cà phê nói chung và tới việc bán ra của nông dân. Bởi thế, nhiều chuyên gia cho rằng nếu nói do nông dân găm hàng chờ giá khiến cho đến giờ tồn trữ cà phê còn nhiều, thì là hơi oan uổng cho người trồng cà phê Việt Nam.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là niên vụ 2015/2016 lại đã cận kề. Với lượng cà phê còn tồn trữ như hiện nay, khi bước vào niên vụ mới, sẽ tạo ra mối lo lớn.
Bởi lượng còn tồn cộng với lượng cà phê niên vụ mới được bán ra, sẽ gây sức ép lên thị trường. Nông dân Việt Nam không thể bán cà phê (vì bán ra là lỗ nặng), trong khi nông dân các nước khác vẫn bán ra, thì e rằng đến một lúc nào đó, sẽ tạo ra thế kẹt cho tiêu thụ cà phê ở Việt Nam.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu đang có tâm lý chờ cà phê Việt Nam giảm giá thêm nữa mới mua. Trong khi chờ đợi, họ có thể mua nước này một chút, nước kia một ít. Như vậy, sẽ càng thu hẹp đầu ra cho cà phê Việt Nam, khi mà ở nước ta hiện nay không có ai đủ khả năng điều tiết thị trường cà phê.
Nhận định của các chuyên gia cà phê cho thấy những tháng cuối năm nay, XK cà phê cũng không mấy sáng sủa. Nguyên nhân lớn nhất vẫn là xu thế giảm giá của đồng nội tệ ở nhiều nước XK cà phê, bất chấp sản lượng cà phê toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt (hiện tượng El Nino).
Đến hết tháng 8, Việt Nam mới chỉ XK được khoảng 1,1 triệu tấn cà phê trong niên vụ 2014/2015. Giỏi lắm đến hết tháng 9 (kết thúc niên vụ 2014/2015 để vào niên vụ 2015/2016), Việt Nam mới có thể XK được chừng 1,2 triệu tấn cà phê của niên vụ 2014/2015. Trong khi kế hoạch đề ra là XK khoảng 1,4 triệu tấn.
Chính vì thế, giá cà phê ở thị trường nội địa niều khả năng vẫn còn ở mức thấp và sẽ rất khó để tăng lên ở mức kỳ vọng (ít nhất là 39.000 đ/kg). Bởi vậy, một số chuyên gia ngành cà phê cho rằng nông dân cần phải chấp nhận lỗ để bán ra lượng cà phê còn tồn trữ, chuẩn bị kho cho cà phê mới thu hoạch.
Nguồn NNVN