Giá ca cao thế giới lên cao nhất 8 tháng
Giá ca cao thế giới tăng mạnh do lo ngại thời tiết khô hạn tại Tây Phi sẽ làm giảm nguồn cung ca cao niên vụ tới. Các nước trồng ca cao lớn nhất thế giới là Bờ Biển Ngà và Ghana đang bắt đầu trồng vụ mới trên diện tích ca cao vừa thu hoạch, tuy nhiên lượng mưa rất thấp cho sự phát triển của cây. Bờ Biển Ngà và Ghân trồng 60% lượng ca cao toàn cầu.
Laurent Pipitone, giám đốc phân phối của Tổ chức Ca cao thế giới tại London cho biết khô hạn đã gây áp lực cho các khu vực trồng cao cao, người nông dân tiến hành gieo trồng và cây phát triển chậm. Người trồng chưa đánh giá được mức thiệt hại là bao nhiêu cho đến khi gần vụ thu hoạch trong tháng 10 tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư và các thương nhân đã bắt đầu chuẩn bị cho vụ mùa sản lượng thấp hơn kỳ vọng.
Trong khi giá ca cao bắt đầu tăng trở lại, bà con nông dân trồng ca cao Việt Nam lại liên tiếp chặt bỏ ca cao để trồng cây ăn quả và các cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao hơn như tiêu, điều. Hôm qua, báo Nông nghiệp Việt Nam có đưa tin người dân Bến Tre đốn 1.400 ha ca cao trồng cây ăn trái tính đến cuối tháng 7. Tại các tỉnh Bình Định, Đắc Lắc, tình hình diễn ra tương tự.
Năm 2011, ca cao còn được đánh giá là cây trồng tiềm năng của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tháng 10/2011 ước tính diện tích cây ca cao sẽ đạt 60 nghìn ha và đến năm 2020 tăng lên 80 nghìn ha, với năng suất bình quân đạt 18 tạ/ha, xuất khẩu đạt 86 nghìn tấn/năm với kim ngạch xuất khẩu đạt 100 đến 120 triệu USD/năm, trở thành nhà xuất khẩu ca cao top đầu thế giới. Tuy nhiên, kế hoạch mở rộng ca cao đến nay gặp nhiều khó khăn, chi phí chăm sóc cao, năng suất thấp, sâu bệnh nhiều, hiệu quả kinh tế không cao bằng các cây trồng khác.
Nguồn Dân Việt/WSJ