Thứ Bảy | 08/12/2012 08:00

Ghi nhận và phân bổ tổn thất là khó khăn lớn nhất trong xử lý nợ xấu ngân hàng

Theo Tổng Giám đốc Standard Chartered Việt Nam, khi đã dũng cảm ghi nhận và quyết tâm giải quyết nợ xấu thì các bước đi tiếp theo sẽ dễ dàng hơn.
Theo đánh giá của Nhóm công tác ngân hàng – Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, các trụ cột tài chính ngân hàng (lộ trình; hiệu quả thị trường; ngân hàng tiêu dùng; các biện pháp ổn định ngắn hạn) đã đạt được nhiều thành quả tích cực. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để và chưa đạt được như mong muốn.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý để tạo dựng một hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn, đủ khả năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hiện thực hóa tất cả các cơ hội mà Việt Nam có” – ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Standard Chartered Bank Việt Nam, Trưởng Nhóm công tác ngân hàng năm vừa qua, chia sẻ.

Tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được thúc đẩy. Theo ông, vấn đề cần tập trung giải quyết hiện nay là gì?

Chúng tôi rất ủng hộ Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015". Nó cho thấy quyết tâm của Chính phủ và NHNN trong tái cơ cấu hệ thống. Thời gian qua, chúng ta đã nghe nhiều về chương trình tái cơ cấu, giờ là thời điểm để hành động. Một trong những vấn đề cần ưu tiên giải quyết hiện nay là nợ xấu.

Nên “ứng xử” với vấn đề này thế nào, thưa ông?

Có 5 vấn đề chính cần giải quyết: Một là, làm rõ bản chất và quy mô nợ xấu của cả hệ thống, cũng như của từng ngân hàng để có ứng xử phù hợp; Hai là, nhận diện và giải quyết các tổn thất; Ba là, thành lập một Công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) để định giá và xử lý nợ xấu trên cơ sở giá thị trường; Bốn là, tái cấp vốn cho các ngân hàng; Năm là, các NHTM cần nhanh chóng áp dụng những tiêu chuẩn quản trị theo thông lệ quốc tế.

Cùng với đó, chúng ta phải đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đặt ra như: Ai sẽ phải chịu khoản tổn thất từ nợ xấu và khi nào?; Khung pháp lý, thời gian, nguồn lực… cho AMC ra sao?; Những ngân hàng nào sẽ được tái cấp vốn; Nguồn vốn đến từ đâu?...

Vậy đâu là bước khó khăn nhất?

Ghi nhận tổn thất và phân bổ nó cho các cổ đông của các ngân hàng có lẽ là vấn đề khó khăn nhất. Khi chúng ta đã dũng cảm ghi nhận và quyết tâm giải quyết nợ xấu thì các bước đi tiếp theo sẽ dễ dàng hơn.

Xử lý nợ xấu rất phức tạp, vì liên quan đến nhiều bên. Điểm tích cực là Chính phủ đã thể hiện quyết tâm hành động để giải quyết và chúng tôi ủng hộ điều đó. Vấn đề lúc này là hành động. Việt Nam hiện vẫn còn thời gian để hành động. Vậy chúng ta nên hành động một cách chủ động, hơn là khi để rơi vào tình huống khó khăn buộc chúng ta phải làm.
Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm trong tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro?
Có nhiều quy định, chuẩn mực về quản lý rủi ro và cho vay. Tại các ngân hàng Việt Nam, các bạn chủ yếu dựa trên tài sản đảm bảo, hơn là quan tâm đến dòng tiền của khách hàng vay có thể trả theo hợp đồng. Đó là cách thức sai lầm, vì tài sản đảm bảo chỉ là “nguồn lực cuối cùng”.

Điều quan trọng nhất là cần xác định được dòng tiền của khách hàng vay như thế nào. Do đó tôi nghĩ, điều tích cực và cần làm tại các ngân hàng là cần có những cải thiện trong đánh giá dòng tiền của khách hàng, lấy đó làm cơ sở chính trong xem xét cho vay ra.
Nhìn nhận của ông về triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2013?
Tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng năm tới sẽ vẫn rất khó khăn vì các vấn đề liên quan đến nợ xấu. Do đó, tổng quan chung về tín dụng sẽ không tăng trưởng nhanh trong năm tới, cũng như cả năm sau nữa. Lãi suất nhiều khả năng cũng sẽ không thay đổi nhiều so với năm nay.

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ sáng sủa hơn nhiều trong năm 2013, vì lãi suất sẽ được duy trì ở mức thấp trong cả năm chứ không chỉ như năm nay. Các yếu tố khác cũng được dự báo tích cực như, thanh khoản sẽ dồi dào, tỷ giá ổn định, chất lượng tăng trưởng tín dụng tốt hơn, trong khi xuất khẩu vẫn là điểm sáng nếu so với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện