Gemadept sẽ rút khỏi bất động sản, hợp tác với Minh Phú
Chủ trương thoái vốn đầu tư khỏi bất động sản, trồng rừng...
Mặc dù ngành bất động sản đang khởi sắc trở lại, các dự án bất động sản của Gemadept (GMD) đang nằm ở các vị trí “vàng” tuy nhiên GMD cho biết nếu có cơ hội chuyển nhượng các dự án đang triển khai cũng như các dự án bất động sản đang trong quá trình hoàn tất thủ tục xây dựng và mạng lại lợi nhuận cao, công ty vẫn sẽ xem xét chuyển nhượng nhằm tập trung nguồn lực để đầu tư mảng kinh doanh cốt lõi là khai thác cảng và logistic.
Năm qua, GMD đã trồng thêm 2.000 ha cao su tại Campuchia theo đúng tiến độ. GMD cho biết, đất trồng cao su tại Campuchia của công ty đã được cấp “sổ đỏ” thời hạn 50 năm. Cũng tương tự như mảng bất động sản, đầu tư trồng cao su không được GMD xem là mảng kinh doanh cốt lõi nên GMD chủ trương sẽ thoái vốn khỏi dự án này trong tương lai.
Hiện GMD đang đầu tư công trình Cao ốc văn phòng Số 6 Lê Thánh Tôn, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh; Dự án Khu phức hợp Saigon Gem và Dự án Tổ hợp khách sạn – Trung tâm thương mại tại Viêng-chăn, Lào.
Năm 2014 GMD đã thoái 85% vốn cổ phần tại Công ty con sở hữu tòa nhà Gemadept Tower thu về lợi nhuận gần 570 tỷ đồng. Nhờ hoạt động bất thường này đã giúp cho GMD có kết quả kinh doanh tăng đột biến đạt mức 701,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Tại đại hội ban điều hành GMD cho biết, năm 2015 nếu GMD chuyển nhượng thêm 15% vốn còn lại trong công ty nói trên ước tính lợi nhuận trước thuế thu về được là 100 tỷ đồng.
Định vị trở thành doanh nghiệp logistic dẫn đầu Việt Nam
GMD xác định năm 2015 cơ hội phát triển cho các hoạt động khai thác cảng và logistics còn nhiều tiềm năng khi nước ta hội nhập ngày một sâu rộng. Đây cũng là lý do chính để GMD thoái vốn các mảng hoạt động khác, tập trung nguồn lực cho khai thác cảng và logistics.
Năm 2014, ban lãnh đạo GMD cho rằng hoạt động khai thác cảng là hoạt động kinh doanh cốt lõi của Gemadept tiếp tục hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2014, khẳng định vị thế nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam.
Đặc biệt, cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng năm 2014 vượt hơn 40% chỉ tiêu đề ra góp phần giúp doanh thu hoạt động khai thác cảng tăng gần 49% so với năm 2014.
Ngoài ra, Gemadept Logistics trong năm qua đã đạt được những bước tiến vượt bậc về số lượng hợp đồng logistics tăng cao, chất lượng dịch vụ cải tiến, GMD đã đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên nghiệp.
Năm 2015, GMD lên kế hoạch tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ logistics ở miền Bắc thông qua việc đầu tư một Depot cho cảng Nam Hải Đình Vũ và một trung tâm logistics ở Hải Dương diện tích khoảng 16.000m² dự kiến hoạt động vào 11/2015.
Với vị thế hiện tại, GMD ước tính Gemadept Logistics là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường nội địa. GMD mục tiêu đến năm 2020 Gemadept Logistics sẽ dẫn đầu thị trường Việt Nam so với các hãng logistics nước ngoài đang hoạt động tại đây.
Tại Đại hội, lãnh đạo GMD cho biết, mảng logistics của GMD đang được các đối tác nước ngoài hỏi mua với giá hấp dẫn. Tuy nhiên, GMD xác định đây là mảng hoạt động gắn liền với hoạt động khai thác cảng vì vậy công ty sẽ không bán mảng logistics. GMD có thể sẽ cổ phần hóa Gemadept Logistics và giữ lại 51% vốn cổ phần tại công ty này, 49% được nắm giữ bởi các đối tác nước ngoài.
Cùng Minh Phú đầu tư trung tâm Logistic, đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 330 tỷ đồng
Năm 2015, GMD đặt chỉ tiêu tổng doanh thu là 3.200 tỷ đồng, tăng 6,1% và lợi nhuận trước thuế 330 tỷ đồng, giảm 53% so với thực hiện năm 2014. Tuy nhiên, xét riêng hoạt động kinh doanh chính, năm 2015 lợi nhuận thuần ước tính đạt 477 tỷ đồng, cao hơn năm 2014 khoảng 60%.
Đồng thời, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2015 của GMD chưa bao gồm khoản lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng có thể thu về nếu GMD chuyển nhượng 15% cổ phần còn lại tại công ty con quản lý tòa nhà Gemadept Tower trong năm 2015; hay lãi từ thoái vốn khỏi các dự án bất động sản hay dự án trồng cao su ở Campuchia.
Liên quan đến kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, quý II/2015, Gemadept hợp tác với CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC) nhằm đầu tư trung tâm logistics ở Hậu Giang với kho lạnh sức chứa 50.000 ballets và diện tích kho thường 15.000m². Tổng vốn đầu tư của dự án gần 670 tỷ đồng trong đó GMD nắm 51% và MPC nắm 49%.
Chuyên viên phân tích của VDSC trong báo cáo gửi đến nhà đầu tư cho rằng, GMD kết hợp với một Công ty thủy sản hàng đầu như Minh Phú không những giúp GMD thâm nhập thị trường logistics tiềm năng ở Đồng bằng sông Cửu Long mà còn đảm bảo được hiệu suất khai thác của trung tâm này trong những năm đầu tiên.
Năm nay, GMD sẽ đổi tên tiếng Việt đầy đủ của công ty từ “CTCP Đại lý Liên hiệp Vận chuyển” thành “CTCP Gemadept” . Đồng thời, GMD sẽ phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50% để tăng vốn điều lệ.
Nguồn Diễn đàn đầu tư