Gelex quyết tâm đưa Viglacera về chung một nhà. Ảnh: Nhadautu

 
Minh Anh Thứ Hai | 21/09/2020 13:00

Gelex quyết tâm “thu phục” Viglacera

Liên tục những động thái mới cho thấy Gelex quyết tâm đưa Viglacera về chung một nhà ngay trong năm nay.

Cơn khát Viglacera

Có vẻ như mức giá bán được Gelex tăng từ 17.700 lên 21.500 đồng vẫn chưa thỏa mãn cổ đông và chưa giúp Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) có được điều mình mong muốn, vừa qua Gelex tiếp tục tăng giá chào mua cổ phiếu Viglacera từ 21.500 đồng lên 23.500 đồng, áp dụng cả những cổ đông đã đồng ý bán cổ phiếu cho Gelex.

Thông tin này được ký hôm 18.9 cũng là lần thứ 2 Gelex tăng giá chào mua cổ phiếu của Tổng Công ty Viglacera. 

Mức giá chào mua hiện tại tương đương với thị giá cổ phiếu Viglacera trên sàn chứng khoán. Chốt phiên hôm 18.9, Viglacera đứng ở mức 23.400 đồng, tăng 2,4% so với tham chiếu. Thị giá cổ phiếu này đã lên gấp đôi so với mức đáy cuối tháng 3.

Trước đó, cuối tháng 8, Gelex thông báo chào mua 21,19% cổ phiếu đang lưu hành của Viglacera. Thời gian dự kiến từ 26.8 đến 25.9. Mức giá ban đầu được Gelex đưa ra là 17.700 đồng, căn cứ theo giá trung bình 60 phiên. Tính theo giá ban đầu, Gelex phải chi ít nhất 1.680 tỉ đồng để gom toàn bộ cổ phiếu đăng ký. Con số này đến nay đã tăng lên 2.230 tỉ đồng.

Ảnh:
Gelex quá thích Viglacera. Ảnh: tinnhanhchungkhoan.

Được biết, Gelex đang sở hữu 24,96% vốn của Viglacera. Trong đó, Gelex trực tiếp nắm giữ 24,8 triệu cổ phiếu Viglacera, tương đương 5,54% vốn; Công ty Cổ phần Thiết bị điện Gelex (công ty con của Gelex) nắm giữ 87,1 triệu cổ phiếu Viglacera, tương đương 19,43% vốn.

Nếu thương vụ chào mua công khai trên thành công, Gelex sẽ nâng tỉ lệ sở hữu tại Viglacera từ 24,96% lên 46,15% vốn điều lệ. Qua đó, Gelex sẽ trở thành cổ đông lớn nhất tại Viglacera, vượt qua tỉ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước (38,58%). Nên biết, tỉ lệ sở hữu thực sự của nhóm Gelex ở Viglacera có thể còn cao hơn, thậm chí là quá bán cổ phần.

Ban lãnh đạo Gelex cho biết, mục tiêu chào mua là để nâng tỉ lệ sở hữu và đầu tư dài hạn, đồng thời khẳng định không có ý định thay đổi lớn về hoạt động kinh doanh của Viglacera. Tại phiên họp thường niên cuối tháng 6, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Gelex nhấn mạnh, việc chi phối Viglacera là nhiệm vụ hàng đầu trong năm nay với mục tiêu mua và sở hữu 51% vốn Viglacera trong quý IV/2020.

Việc này cũng nằm trong chiến lược phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp bởi doanh nghiệp đánh giá thời điểm này là cơ hội để hưởng lợi dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Nếu hoàn tất việc thâu tóm, Gelex đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 19.600 tỉ đồng và 975 tỉ đồng. Trong trường hợp không thực hiện được việc hợp nhất trong năm nay, doanh thu và lợi nhuận giảm chỉ còn 17.500 tỉ đồng và 735 tỉ đồng.

Ảnh:
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Gelex đồng thời là Chủ tịch Viglacera. Ảnh: Viettime.

Gia tăng sức mạnh, hoàn thiện mảnh ghép

Mặc dù mới sở hữu gần 25% cổ phần nhưng kể từ khi trở thành cổ đông lớn vào tháng 4.2019 thì đến tháng 6.2019 tại Đại hội cổ đông thường niên của Viglacera, ông Nguyễn Văn Tuấn và một đại diện khác của Gelex đã được bầu vào Hội đồng Quản trị. Sau đó, ông Nguyễn Văn Tuấn ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viglacera.

Với viễn cảnh Bộ Xây dựng thoái vốn theo lộ trình của Thủ tướng yêu cầu, Gelex ngay trong năm 2019 đã đặt ra mục tiêu mua chi phối Viglacera. Việc "ông lớn" này không hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2019 một phần nguyên nhân được cho là chưa hoàn tất được thương vụ Viglacera.

Do đó, ứng viên lớn nhất cho hơn 38% cổ phần còn lại mà Bộ Xây dựng dự kiến thoái trong năm 2020 là nhóm cổ đông Gelex. Thực tế, nếu nắm trong tay Viglacera, Gelex sẽ không chỉ trở thành "ông lớn" trong ngành bất động sản khu công nghiệp và ngành vật liệu xây dựng, mà còn giúp hoàn thiện hệ sinh thái mà công ty này đang hướng tới là tập trung phát triển mảng bất động sản, nước sạch và xử lý nước - một trong những mảng đang là thế mạnh của Viglacera.

Đặc biệt, về mặt tài chính, Viglacera và Gelex có quy mô khá tương đồng, lần lượt là 20.303 tỉ đồng và 22.506 tỉ đồng tổng tài sản; 4.484 tỉ đồng và 4.882 tỉ đồng vốn cổ phần tính tới cuối quý I/2020.

 

Điểm đáng chú ý là Gelex đang có khoản nợ phải trả chiếm tới 62% tổng nguồn vốn, nợ vay thuê tài chính ngắn và dài hạn là 9.695 tỉ đồng, nếu cộng cả LC phải trả ngân hàng thì lên tới gần 11.200 tỉ đồng, bằng một nửa tổng tài sản của Gelex và gấp tới 21,5 lần số dư vay nợ tài chính so với cuối năm 2015. Sử dụng đòn bẩy tài chính dẫn tới chi phí lãi vay tăng mạnh và ăn mòn lợi nhuận của Gelex.

Trong khi đó, Viglacera lại có sức khỏe tài chính ở trạng thái lành mạnh, với vay nợ tài chính tới cuối tháng 3.2020 là 2.250 tỉ đồng, tương đương 11% tổng tài sản. Nếu hợp nhất được Viglacera, Gelex sẽ trở thành tập đoàn với quy mô tài sản khoảng 2 tỉ USD, và quan trọng hơn cả là tỉ lệ vay nợ lúc này sẽ giảm mạnh về chỉ còn khoảng 30%, đồng nghĩa với mở ra dư địa tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính nếu cần thiết.

Nhìn về bề nổi có thể thấy M&A có thể giúp Gelex gia tăng quy mô và thế lực, nhưng việc hoạt động trên nhiều lĩnh vực có thể khiến doanh nghiệp này phải đối mặt với những rủi ro đặc thù trong từng lĩnh vực kinh doanh, nhất là trong thời điểm dịch đang khiến các doanh nghiệp khó khăn.

► Top 50 2019: Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam