Ảnh: funan.vn

 
Viết Nguyên Thứ Hai | 30/09/2019 16:00

GEC đi về phía mặt trời

Lợi thế của công ty duy nhất trên sàn hose trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Gần 204 triệu cổ phiếu GEG của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC) đã chính thức chuyển sàn. Gương mặt mới trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) có gì hấp dẫn các nhà đầu tư?

Ngôi sao năng lượng tái tạo

Điểm đáng chú ý cho thị trường là GEC hiện đi tiên phong, là công ty duy nhất trên sàn HoSE hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Điểm đặc biệt nữa là các nhà máy điện mặt trời của GEC không chỉ bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mỗi MWh điện phát ra, GEC còn có thể bán dưới dạng chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC), hoặc I-REC, hay TIGR.

Hiện GEC có 5 nhà máy điện mặt trời. Trừ nhà máy Trúc Sơn là mua lại từ nhà đầu tư Tây Ban Nha, còn lại Công ty tự đầu tư. Các nhà máy điện mặt trời này mới chỉ đưa vào vận hành từ 1 năm trở lại đây nhưng đã chiếm khoảng 5% thị phần năng lượng điện mặt trời Việt Nam, hưởng được ưu đãi giá bán điện 9,35 cent/kWh và đóng góp tới 69% (260MWp) trong tổng công suất điện (286MWp) cho GEC. Đáng chú ý, như chia sẻ của lãnh đạo Công ty, nhà máy điện mặt trời ở Phong Điền (Thừa Thiên Huế, 48MWp) và Krông Pa (Gia Lai, 69MWp) còn thu được tiền từ bán chứng chỉ điện. Cụ thể, nhà máy điện mặt trời ở Phong Điền đã thu được tiền bán chứng chỉ I-REC. Riêng nhà máy điện mặt trời ở Krông Pa đã ký xong hợp đồng, đang tiến hành đăng ký dự án lên hệ thống theo chuẩn I-REC.

 

Với mức phí ước tính khoảng 0,8 USD/MWh điện mặt trời, GEC kỳ vọng sẽ bán hơn 100.000 REC điện mặt trời ra thị trường trong năm nay. Đây là một trong những cách để GEC đa dạng hóa doanh thu. Trước mắt, trong 6 tháng đầu năm 2019, dù chỉ mới đi vào vận hành chưa lâu nhưng 5 nhà máy điện mặt trời đã góp gần 62% tổng doanh thu.

Thực tế, trước khi mở rộng hoạt động sang lĩnh vực điện mặt trời, GEC là doanh nghiệp thủy điện. Cho đến thời điểm này, GEC vẫn sở hữu 14 nhà máy thủy điện. Theo thông tin từ Công ty, các nhà máy thủy điện này có quy mô khá khiêm tốn và đóng góp khoảng 31% tổng công suất của GEC, tương đương 85,1MW. Dù vậy, Công ty kỳ vọng thủy điện sẽ giúp bán được 230.000 REC. Căn cứ giá 0,35 USD/MWh thủy điện, đây sẽ là nguồn thu đáng kể.

Tham vọng mới

Trong chiến lược phát triển dài hạn, GEC không ưu tiên cho thủy điện mà hướng tham vọng vào ngành điện mặt trời và điện gió. Cụ thể, GEC dự kiến đến năm 2022, điện mặt trời sẽ góp hơn 63% (khoảng 817MW) và điện gió sẽ góp 30,1% (khoảng 389MW) trong tổng công suất 1.290MW.

 

Chiến lược này được đánh giá phù hợp vì theo quy hoạch ngành điện Việt Nam, đến năm 2030, tỉ trọng công suất năng lượng tái tạo sẽ chiếm 21%. Tỉ trọng sản xuất và nhập khẩu trong ngành năng lượng tái tạo cũng sẽ tăng đáng kể, ước tăng trưởng kép 14%/năm. Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội trong ngành năng lượng tái tạo, GEC phải tăng tốc đầu tư. Theo kế hoạch, bên cạnh 5 dự án đã vận hành, Công ty sẽ đầu tư thêm 12 dự án nhà máy điện mặt trời ở Bình Thuận và mở rộng dần ra các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa. Riêng về điện gió, GEC đang chuẩn bị thủ tục pháp lý cho 4 dự án ở  Ninh Thuận, Tiền Giang và Gia Lai. GEC dự tính mất khoảng 2-3 năm cho các khoản đầu tư này.

Để gia tăng đầu tư, GEC cần nguồn lực tài chính lớn. Chỉ riêng điện gió, ước tính Công ty cần khoảng 17.000 tỉ đồng và khoản đầu tư tương đương cho các dự án điện mặt trời. Vì thế, giới phân tích cho rằng, GEC đã và sẽ tiếp tục huy động vốn ở nhiều kênh. Chỉ tính từ năm 2017, GEC đã 4 lần tăng vốn để nâng vốn điều lệ hiện nay lên 2.038,9 tỉ đồng. Trong đó, năm 2018, GEC đã huy động được lượng tiền mặt lớn nhờ tăng vốn điều lệ gấp đôi. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo GEC sẽ tiếp tục tăng vốn cũng như vay thêm để tài trợ các dự án. Lãnh đạo GEC dự tính sẽ huy động 100 triệu USD từ phát hành trái phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, để tài trợ cho 4 dự án điện gió.

 

Kế hoạch này của GEC có thành công hay không còn tùy vào tính pháp lý của các dự án điện gió. Tuy nhiên, với lợi thế tiên phong trong ngành, với tiềm lực từ công ty mẹ là TTC Group, với uy tín của IFC (cổ đông lớn, tham gia vào GEC năm 2016 và hiện nắm giữ 15,96% cổ phần), Công ty có cơ sở lạc quan. Ngoài ra, những nhà máy thủy điện cho nguồn thu ổn định, không còn nợ vay và đã khấu hao khoảng 50%. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, đây là những tài sản tốt. Ngoài tạo dòng tiền tốt, GEC có thể sử dụng những tài sản cho mục đích thế chấp. Các nhà máy này cũng vừa được định giá  khoảng 3.000 tỉ đồng.

Một khi triển khai và đưa vào vận hành thương mại các dự án kể trên, như kế hoạch, GEC sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì năng lượng tái tạo là ngành còn mới mẻ ở Việt Nam và nhiều dự án của GEC còn đang trong giai đoạn đầu tư chuẩn bị, chưa chắc chắn về thủ tục pháp lý nên BVSC cho rằng, nhà đầu tư cần thêm thời gian để theo dõi tiến trình đầu tư, vận hành và hiệu quả hoạt động của các nhà máy.

Hiện tại, GEC vẫn nỗ lực cho các mục tiêu trước mắt và cả dài hạn. Chẳng hạn, GEC đã hợp tác với Sharp Việt Nam và TTC Energy trong nhiều dự án trang trại để phát triển điện mặt trời áp mái. Công ty cũng dự tính tiến sâu vào ngành năng lượng tái tạo ở Campuchia thông qua việc tham gia đấu thầu  dự án điện mặt trời với công suất 60MWp. Song song với lĩnh vực năng lượng tái tạo, GEC hiện mở rộng hoạt động sang lĩnh vực dịch vụ bảo trì cho các dự án điện mặt trời. Mảng này tuy chỉ góp khoảng 4% doanh thu cho GEC nhưng biên lợi nhuận gộp lại đạt 26%. Theo VDSC, việc bảo trì, bảo dưỡng hiệu quả cũng sẽ giúp GEC tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và chi phí vận hành.