GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%. Ảnh: TL.

 
Thùy Linh Thứ Sáu | 30/06/2023 19:15

GDP Việt Nam trong năm 2023 có thể tăng từ 5,5 - 6%

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023 được đánh giá là vô cùng thách thức khi nền kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng của quý II/2020 trong giai đoạn 2011 - 2023.

 

GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.

Chia sẻ với NCĐT, anh Đỗ Hoàng Phúc, Chuyên viên phân tích , Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay theo TCSC là vô cùng thách thức khi GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,3%. Để đạt được mục tiêu 6,5%, mỗi quý sau cần tăng ít nhất 7% GDP so với cùng kỳ. Đây là một con số được cho là rất thách thức trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế chưa thực sự phục hồi. “Chúng tôi cho rằng, GDP Việt Nam trong năm 2023 có thể tăng từ 5,5 - 6%. Dẫu vậy, đây cũng là một mức tăng trưởng cao trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được đánh giá còn nhiều khó khăn”, anh Hoàng Phúc chia sẻ. 

Chia sẻ thêm về cơ sở để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, anh Hoàng Phúc cho rằng trong bối cảnh các nền kinh tế trên thế giới, trong đó Mỹ, EU và nhiều nền kinh tế lớn vẫn đang đối mặt với lạm phát và tăng lãi suất, Việt Nam cùng một số quốc gia như Trung Quốc, Belarus, Costa Rica,… đã chủ động thực hiện các biện pháp cắt giảm lãi suất điều hành. Đây được coi là những bước đi táo bạo nhưng cũng đầy thách thức cho tương lai. 

 

Có thể nhận thấy rằng, điểm chung của các nước giảm lãi suất là mức lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp. Điều này có thể coi là một điều kiện tiên quyết để Ngân hàng Trung ương các quốc gia đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất điều hành. Ngoài ra, việc giảm lãi suất cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như thanh khoản hệ thống, dòng vốn và tỉ giá. 

Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất siêu gần 10 tỉ USD và các thương vụ đầu tư với các đối tác nước ngoài, điều này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng thanh khoản hệ thống và giảm áp lực lên tỉ giá. Tuy nhiên, anh Hoàng Phúc cho rằng mức lãi suất cao trong bối cảnh lạm phát thấp cũng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, việc giảm lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay, từ đó hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm:

34,3% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên trong quý III