Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp. Ảnh: Quý Hòa

 
Hải Vân Thứ Tư | 30/01/2019 18:48

GDP Trung Quốc gấp 54,7 lần Việt Nam

Nền kinh tế tới đây phải đồng thời duy trì ổn định vĩ mô và tốc độ tăng trưởng cao, liên tục, kéo dài nhiều năm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng, hôm 30.1, cho biết, kinh tế nước ta đã duy trì được một cấp độ phát triển ở mức khá trong thời gian dài, giai đoạn 1989-2018 bình quân tăng trưởng bình quân đạt 6,8%, một mức cao trong khu vực ASEAN.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng gần 39 lần, từ 6,3 tỉ USD vào năm 1989 đến 2018 đạt khoảng 245 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 27,4 lần, tức là từ 94 USD vào năm 1989 và đến hết 2018 đạt mức 2.587 USD, tức là đã tăng 7,4 lần.

Tuy nhiên, quy mô của nền kinh tế của Việt Nam còn khiêm tốn nếu so với một số nước trong khu vực. Thời điểm năm 2017, GDP của Indonesia đã gấp 4,5 lần GDP Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,4 lần, Hàn Quốc gấp 6,8 lần và Trung Quốc gấp 54,7 lần.

Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước thu nhập trung bình thấp, với bình quân đầu người đứng thứ 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ. GDP của Việt Nam hiện nay chỉ ngang bằng Malaysia vào năm 1990, bằng Thái Lan năm 2003, bằng Indonesia năm 2009 và bằng Hàn Quốc năm 1980.

 GDP Trung Quoc gap 54,7 lan Viet Nam

“Cần suy ngẫm” về con số tăng trưởng của Trung Quốc nếu so với Việt Nam, ông Dũng nói. Sau 40 năm cải cách và đổi mới, Trung Quốc đã gia tăng quy mô GDP lên 56 lần so với Việt Nam, với GDP bình quân đầu người tăng 38,5 lần, một tốc độ vũ bão và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung bình quân của cả thế giới.

Hiện Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Trung Quốc là khoảng 9.000 USD, trong khi Việt Nam mới là 2.587 USD, một khoảng cách xa.

Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn ở tầm trung, với quy mô nền kinh tế khiêm tốn, chất lượng tăng trưởng còn thấp, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, trong khi năng suất lao động còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực, nhất là vẫn hiện hữu nguy cơ tụt hậu so với khu vực.

Dù vậy, ông Dũng cũng nói, tăng trưởng cao và ổn định trong 2 năm 2017 và 2018 cho thấy khả năng chống chịu của nền kinh tế đã tốt hơn, tính độc lập tự chủ cũng được cải thiện hơn. Ông cho đây là điểm tích cực trong quá trình phát triển khi tăng trưởng cao của Việt Nam đã không phải đánh đổi bằng việc bất ổn về vĩ mô, thâm dụng tài nguyên, đẩy mạnh tín dụng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nền kinh tế Việt Nam thời gian tới cũng đứng trước nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới có nhiều biến động sẽ có những phức tạp ảnh hưởng đến Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở lớn và đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng cao.

Thêm nữa, những vấn đề xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược và sự nổi lên của Trung Quốc với những chiến lược tham vọng, cũng như Mỹ với sự thay đổi chính sách phức tạp và mau lẹ, cũng có thể tác động tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam.

Bộ trưởng Dũng cho rằng, để đưa nền kinh tế vượt bẫy thu nhập trung bình, sớm trở thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi tốc độ nước ta cần đạt được trong những năm tới phải nhanh hơn, mang tính bứt phá hơn và đuổi kịp các nước trong khu vực và thế giới.

“Nền kinh tế phải đồng thời duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, đi liền tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục và kéo dài trong một thời gian”, Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói. 

Theo ông Dũng, tăng trưởng nhanh, bền vững thời gian tới của Việt Nam cần dựa trên nền tảng của cải cách thể chế, thể chế vẫn là khâu đầu tiên, khâu quan trọng và là khâu quyết định để tạo nền tảng cho phát triển. Đặc biệt, phải coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực và là mục tiêu để tập trung thực hiện, tạo bứt phá và phát triển bền vững.