GDP ngành nông nghiệp xu hướng giảm
Tại hội thảo thường niên về Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp năm 2013, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cho biết tăng trưởng ngành nông nghiệp của Việt Nam đang có xu hướng suy giảm. Số liệu thống kê cũng cho thấy tăng trưởng các tiểu ngành đều chậm lại, (trừ lâm nghiệp). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, ca cao có tăng trưởng nhưng chủ yếu là do mở rộng diện tích.
Cụ thể, tốc độ tăng GDP nông nghiệp giai đoạn 1996 - 2000 đạt 4% một năm, giảm xuống còn 3,83% trong thời gian 2001 - 2005 và 3,3% từ 2006-2010. Tỷ lệ giá trị gia tăng so với tổng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng có xu hướng giảm. Cụ thể, theo giá thực tế, tỷ lệ này giảm từ 66,35% năm 2000 xuống 58,8% năm 2010. Nếu theo giá so sánh, tỷ lệ cũng giảm lần lượt từ 45,6% xuống còn 38,8%.
Đại diện IPSARD cũng nhận định hiện hệ thống khoa học công nghệ nông nghiệp phát triển chậm, thiếu sự phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp. Tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp trong GDP ngành còn thấp, chưa bằng một nửa so với nhiều quốc gia có thu nhập trung bình khác.
Theo thống kê, năm 2012, ngành nông nghiệp có thặng dư xuất khẩu ròng đạt trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chủ yếu do tăng khối lượng. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu năm 2012 đều giảm so với 2011. Trong khi các chi phí đầu vào đều tăng hoặc giảm chậm hơn giá đầu ra.
Các chuyên gia cho rằng, năm 2012, những khó khăn chung về vĩ mô đã có những tác động không nhỏ đến ngành nông nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với các ngành nghề khác, tỷ lệ các doanh nghiệp nông lâm thủy sản đang hoạt động thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, năm 2012, tỷ lệ đang hoạt động của ngành nông nghiệp chỉ là 79%, trong khi ngành công nghiệp, dịch vụ lần lượt đạt 90,5% và trên 92%. Tính chung tất cả các ngành, tỷ lệ này cũng đạt trên 91,5%.
Về tỷ lệ công ty ngừng hoạt động, chờ giải thể, sáp nhập năm 2012 của ngành nông nghiệp cũng đạt mức khá cao với 3,12%, trong khi một số khối khác dưới 2%.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Tuấn là do việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn, lãi suất cao. Điều này khiến giá đầu vào tăng, trong khi giá đầu ra không được cải thiện nên ngành nông nghiệp gặp khó. Chuyên gia này cho rằng, về lâu dài, nếu phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn thì nên tăng cường áp dụng kiểu hợp đồng tín dụng theo chuỗi, từ nuôi trồng, đến khai thác, chế biến...
(Theo Vnexpress)