GDP: Nên theo đuổi lượng hay chất?
Tăng biên chế, tăng lương, xây cổng chào, tượng đài hay thậm chí tham nhũng... cũng có thể làm tăng GDP. Bên cạnh đó, chạy theo đầu tư hạ tầng một cách lãng phí hay tăng trưởng theo kiểu tăng sản lượng khai thác dầu mỏ, gia tăng khai thác tài nguyên để lấy GDP thực sự chỉ mang lại rủi ro khó lường.
Lương, biên chế làm tăng GDP
Việt Nam có đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 đang là vấn đề không chỉ nóng trong nghị trường Quốc hội, mà còn nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Tăng trưởng GDP quý I/2017 thấp hơn cùng kỳ năm 2016 (5,1% so với 5,48%). Vì vậy, để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế như kỳ vọng, các quý còn lại phải tăng trung bình trên 7%.
Khả năng này tương đối khó khăn, đặc biệt, nếu nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô quý I/2017. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,1% (so với mức tăng 7,4% năm 2016). Đáng lưu ý, tăng trưởng GDP quý chủ yếu do ngành khai khoáng và xây dựng nhưng khai khoáng tăng trưởng âm 10% trong quý I/2017 do sản lượng khai thác dầu giảm 14,9% và than đá giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2016. Ngành xây dựng cũng tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ (6,1% so với 9,9%).
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14, tính toán tăng sản lượng khai thác dầu thô để đạt mục tiêu tăng trưởng đã được đưa ra, đúng như cách Việt Nam đã sử dụng trong nhiều năm gần đây. Cụ thể, sẽ khai thác thêm 1 triệu tấn dầu và 1 tỉ m3 khí, qua đó cả năm sẽ đạt 13,28 triệu tấn dầu và 10,6 tỉ m3 khí nhằm đóng góp thêm khoảng 0,25% mức tăng GDP cho mục tiêu tăng GDP 6,6% trong năm nay. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự thận trọng và dè dặt của các nhà quản lý lần này không chỉ phản ánh nỗi lo về cách tăng trưởng kém bền vững, mà còn bởi Việt Nam cũng chẳng còn nhiều tài nguyên. Câu hỏi về thực chất tăng trưởng GDP của Việt Nam, vì thế, được đặt ra với nhiều ý kiến khá gay gắt.
Theo cách tính lâu nay, khi tổng giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế tăng, GDP sẽ tăng. Điều này đồng nghĩa, tăng lương chắc chắn sẽ làm tăng GDP. Nghịch lý hơn, dù Việt Nam có đi ngược lại những mục tiêu đang được đặt ra như tăng biên chế, đầu tư tràn lan không cần tính đến hiệu quả, thậm chí, không kiểm soát để tham nhũng có thêm cơ hội, bong bóng bất động sản... cũng làm tăng GDP.
Nếu coi GDP là chỉ số duy nhất để đánh giá nền kinh tế, sự vô lý nói trên không phải là khiếm khuyết duy nhất. GDP tăng do chi thường xuyên để nuôi bộ máy khổng lồ, do đầu tư dàn trải hay các công trình xây xong không biết để làm gì nhưng vẫn làm tăng GDP trong nhất thời. Đi kèm theo đó nguồn lực của nền kinh tế bị giảm; hậu quả tất yếu là phải đi vay và nợ nần tăng lên. Một nền kinh tế như vậy đến một lúc nào đó sẽ gặp rủi ro.
Trở lại đề xuất quen thuộc khai thác dầu để bù tăng trưởng, toàn bộ sản phẩm được khai thác sau khi trừ đi chi phí khai thác sẽ được cộng vào giá trị tăng thêm làm tăng GDP. Tuy nhiên, thực tế là Việt Nam phải chi trả lại một phần giá trị tăng thêm này cho đối tác Nga, với tỉ lệ 5-5, thậm chí 3-7 vì ở nhiều mỏ, cổ phần Việt Nam chỉ chiếm 30%. Vậy có phải chăng là đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng ảo?
Tương tự, với phần đóng góp từ hoạt động của Samsung (kim ngạch 40 tỉ USD, góp 22,7% xuất khẩu cả nước năm 2016), trong GDP không thể hiện phần thu nhập của chuyên gia nước ngoài làm việc tại Samsung (cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập trung bình lao động Việt Nam). Mặt khác, phần lợi nhuận có thể được Samsung mang về nước hoặc tái đầu tư không ở Việt Nam nhưng GDP của Việt Nam tính cả các khoản này. Thực tế trên không chỉ tồn tại ở Samsung mà còn ở hầu hết các doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam, đồng nghĩa với việc một nguồn lực không nhỏ đang bị Việt Nam “cộng nhầm’’ nếu chỉ dùng GDP để đo quy mô nền kinh tế.
Tiến sĩ Bùi Trinh, nguyên chuyên viên Tổng Cục Thống kê, chỉ ra một thực tế đáng suy ngẫm trong cách tiếp cận của Việt Nam về vấn đề này. “Lẽ ra, chỉ tiêu tiếp theo cần được xem xét là GNI = GDP + thu sở hữu - chi trả sở hữu, thể hiện rõ hơn phần Việt Nam thực sự được hưởng từ các hoạt động kinh tế. Trong số liệu của Tổng Cục Thống kê có cả GNI nhưng không nhiều người nhìn vào chỉ số này’’, ông Trinh nhận xét.
Đang ở mức tăng trưởng nào?
Trao đổi với NCĐT, Tiến sĩ Bùi Trinh cũng chỉ ra những hệ lụy nếu đo nền kinh tế chỉ bằng GDP. Thứ nhất, tham chiếu với nợ công, theo Bản tin tài chính số 4 năm 2016 (Bộ Tài chính), chỉ trong vòng 6 năm (2010-2015), nợ công Việt Nam đã tăng gấp 3 lần. Đến cuối năm 2015, về số tuyệt đối, dư nợ công lên đến 2.608 ngàn tỉ đồng; về số tương đối, tỉ lệ nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội. Cùng kỳ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo GDP lần lượt là 6,42% (2010), 6,24% (2011), 5,25% (2012), 5,42% (2013), 5,98% (2014), 6,68% (2015).
Để đánh giá về chất thì GDP chỉ là một chỉ số và còn cần phải có nhiều chỉ số khác nữa. Ảnh: vietravel.com |
Đặt trong bối cảnh sau bao nhiêu năm công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nền kinh tế Việt Nam vẫn là gia công toàn diện mà chưa tạo ra một sản phẩm đáng kể, tăng trưởng ở mức xấp xỉ 6% mỗi năm theo tính toán trên đến từ đâu? Và với mức tăng nợ công như vậy và tận thu từ tài nguyên như những năm qua, liệu có phải chúng ta bán tài nguyên và vay mượn, bán sức lao động giá rẻ rồi phân phối lại trong xã hội, tạo ra mức phát triển như đã ghi nhận?
Một câu hỏi khác, tăng trưởng GDP có thật không khi mà doanh nghiệp đang khó khăn hơn? Tính toán hệ số co giãn (hệ số đóng góp) của đầu ra tương ứng với lao động và vốn từ Bảng cân đối liên ngành 2007 và 2012 cho thấy nếu đầu ra là tổng giá trị gia tăng thuần (gross value added net - GVAN) theo giá cơ bản, hệ số co giãn của lao động tăng từ 64% năm 2007 lên 78% năm 2012, với giả thiết tỉ lệ thu nhập không đổi theo quy mô thì hệ số co giãn của vốn giảm từ 36% xuống 22%. Điều này cho thấy trong giai đoạn năm 2011-2014 phải cần một lượng vốn lớn hơn giai đoạn trước rất nhiều mới tạo ra được sự tăng lên của tổng giá trị tăng thêm ròng. Ngoài ra, điều đó cũng cho thấy hằng năm lương tăng xấp xỉ 10% (năm 2016 tăng 14,5%), nhưng năng suất lao động không tăng, khiến cấu trúc trong giá trị tăng thêm ngày càng lệch lạc, dẫn đến nguồn lực ngày một giảm.
Càng bất bình thường hơn khi so sánh với hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015, theo tính toán của một viện nghiên cứu nhà nước là 4,57. Nếu như vậy, sao chúng ta vẫn phải đi vay năm sau nhiều hơn năm trước, tại sao các doanh nghiệp phá sản quá nhiều? Theo ông Bùi Trinh, vào thời điểm này, sự minh bạch và chính xác về số liệu là rất quan trọng để các nhà quản lý đưa ra những chính sách phù hợp. Nếu vẫn cứ ảo tưởng về thành tích GDP mà không có những điều chỉnh kịp thời về mục tiêu và cách thức đầu tư, viễn cảnh nền kinh tế rỗng ruột, người Việt Nam chỉ còn lựa chọn đi làm thuê giá rẻ cho doanh nghiệp nước ngoài sẽ không còn là lời dọa suông.
Hoàng Hạnh