GDP 2012 tăng trưởng 5,03%
Theo báo cáo, với mức tăng trưởng này cộng thêm mục tiêu kế hoạch của năm bản lề 2013 khoảng 5,5%, còn mức tăng trưởng năm 2011 là 5,89%, thì việc đạt được các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 gặp nhiều khó khăn.
Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, để đạt được mức tăng trưởng bình quân 6,5 - 7% như Kế hoạch đã đề ra, thì 2 năm (2014 – 2015), tăng trưởng GDP phải đạt 8-9%.
“Đây là điều rất khó, vì vậy, Bộ KH&ĐT đề nghị Trung ương có đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và đưa ra những quyết sách phù hợp với tình hình mới”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề xuất.
Thực tế, theo Nghị quyết Đại hội XI, mục tiêu trong năm 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7 - 7,5%. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn, từ năm 2011, Bộ KH&ĐT đã chủ động báo cáo Chính phủ trình Trung ương, Quốc hội điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế xuống 6,5 - 7%, với nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cho tới nay, có thể nói, việc hoàn thành mục tiêu trên là rất khó khăn.
Không chỉ là thực hiện Kế hoạch 5 năm, mà ngay cả đối với việc thực hiện Chiến lược 10 năm 2011 - 2020, trong đó 3 đột phá chiến lược đã được xác định là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, theo Thứ trưởng thường trực Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, việc thực hiện 3 mũi đột phá nói trên cũng đang gặp khó khăn, vì vấn đề nguồn lực. Điều mà Thứ trưởng Cao Viết Sinh lo ngại, đó là tỷ lệ tích lũy đã giảm đi; nguồn tài trợ ODA thời gian tới cũng sẽ giảm, do Việt Nam đã nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình.
“Tình hình kinh tế thế giới và trong nước hiện nay diễn tiến rất khác so với dự báo của chúng ta đưa ra khi xây dựng Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Mới qua 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhưng tình hình đã đổi khác rất nhiều, do đó, để thực hiện được Nghị quyết của Đảng, rất cần phải có đánh giá giữa kỳ”, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh ủng hộ đề xuất của Bộ KH&ĐT.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là một kiến nghị xác đáng. đồng thời, Tổng Bí thư chỉ đạo, Bộ KH&ĐT, với vai trò là “bộ tham mưu” kinh tế tổng hợp cho Đảng, Nhà nước, phải chủ động đề xuất các ý kiến tham mưu một cách khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nguồn Báo Đầu tư