Gạo Việt thất thế trên thương trường quốc tế
Trong một diễn đàn thương mại tổ chức hồi đầu năm nay, ông Sammir Dixit, Giám đốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance, từng đưa ra nhận xét: “Tôi phải thú nhận rằng thứ cơm mà tôi ăn trên máy bay của Vietnam Airlines là cơm dở nhất mà tôi từng ăn”. Phát biểu này của ông Sammir Dixit đã phần nào nói lên thực trạng của ngành gạo Việt Nam hiện nay: chạy theo số lượng, bỏ quên chất lượng dù Việt Nam luôn dẫn đầu về xuất khẩu gạo trên bản đồ thế giới nhiều năm qua.
Thực tế, gạo Việt Nam đang ngày càng bị suy giảm và thu hẹp về cả sản lượng, giá trị lẫn thị trường. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm chỉ còn 3,3 triệu tấn, tương đương 1,4 tỉ USD. Tính ra, gạo Việt Nam đã giảm gần 14% về số lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ. Do đó, VFA đã phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2016 từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn.
Sắp tới, lối ra cho ngành gạo vẫn chưa mấy sáng sủa. Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo Việt Nam nhiều nhất, tiếp tục quản lý chặt việc nhập khẩu gạo. Ở cửa ngõ tiểu ngạch, thường chiếm khoảng 30% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, giới chức Trung Quốc quản lý nghiêm ngặt hơn đối với gạo từ Việt Nam và có những tháng đóng cửa mậu biên, như tháng 4 năm ngoái, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
Ở con đường chính ngạch, tình hình cũng không khả quan. Trong nghị định thư mới về yêu cầu kiểm dịch thực vật (có hiệu lực ngay sau ngày ký ngày 30.5.2016) nêu quy định đơn vị khử trùng gạo phải do Trung Quốc thẩm định. Nhưng cho đến nay, chưa có công ty khử trùng, giám định gạo nào của Việt Nam được phía Trung Quốc công nhận, khiến việc xuất khẩu gạo chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc gặp nhiều bế tắc. Thông tin từ phía quản lý Trung Quốc mới đây cũng cho biết, muốn xuất khẩu vào nước này, các nhà máy chế biến của Việt Nam cũng như ở các nước phải có mã vào Trung Quốc và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách Trung Quốc phê chuẩn.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký VFA, cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 131 trong hơn 200 doanh nghiệp tham gia vào ngành thương mại gạo đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Nhưng trước mắt, Trung Quốc chỉ yêu cầu gửi danh sách 30 đơn vị. Trường hợp doanh nghiệp không qua được vòng xét duyệt, ngoài việc không thể đưa hàng sang Trung Quốc ở thời điểm đó, các công ty còn phải tốn kém thêm chi phí cho việc khảo sát lại vùng nuôi, nhà máy, kho gạo... từ phía Trung Quốc. Toàn bộ các khoản như ăn ở, đi lại cho đoàn khảo sát sẽ do doanh nghiệp Việt Nam chi trả.
Với nhiều thay đổi kể trên, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng qua đã bị ách lại, phải dựa chủ yếu vào các hợp đồng cũ. Trong khi đó, các đối thủ của gạo Việt Nam, đến từ Thái Lan, Campuchia và Pakistan lại hưởng những điều kiện thuận lợi hơn khi xuất sang Trung Quốc. Chẳng hạn, Campuchia được miễn thuế khi đưa gạo sang thị trường đông dân này.
Ở thị trường xuất khẩu gạo quan trọng khác của Việt Nam là Indonesia, tình hình cũng không lạc quan. Mới đây, Indonesia khẳng định không nhập khẩu gạo trong năm 2016 do lượng gạo tồn kho trong nước vẫn ở mức an toàn. Indonesia đang tìm cách xuất khẩu thay vì phải nhập khẩu gạo về tiêu thụ. Ông Sumardjo Gatot Irianto, Tổng Giám đốc Cơ quan Cơ sở hạ tầng và Thiết bị nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Indonesia, cho biết, Chính phủ Indonesia sẽ nỗ lực để thu mua gạo nội địa nhằm đáp ứng các nhu cầu về gạo và phục vụ xuất khẩu. Trong số 10 điểm đến của gạo Indonesia, sẽ có cả những thị trường như Malaysia, Singapore, Brunei và Đức. Như vậy, nhu cầu nhập khẩu gạo từ Indonesia đã suy giảm. Nhưng với thị phần xuất khẩu gạo Indonesia chỉ chiếm hơn 10% nên không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Philippines trở thành quốc gia đứng đầu trong số các nước giảm mua gạo Việt Nam với mức giảm lên tới 66,4% trong 8 tháng đầu năm 2016. Cũng như Indonesia, Philippines đang tìm cách tự cung cấp lương thực trong nước. Philippines dự tính sẽ hỗ trợ nông dân chi phí đầu vào tất cả các khâu như giống, phân bón, tưới tiêu… nhằm đạt mục tiêu sớm nhất. Mặc dù kế hoạch này của Philippines có thể sẽ khó thực hiện vì hằng năm, Philippines thường hứng chịu nhiều thiên tai bão lũ, nhưng lãnh đạo quốc gia này lại rất quyết tâm theo đuổi chiến lược an ninh lương thực.
Trong khi đó, Malaysia sau khi mua khoảng 70.000 tấn gạo từ Việt Nam hồi đầu năm cũng chưa có dấu hiệu nhập tiếp. Tính ra, không riêng Malaysia mà Singapore, Mỹ... đều đã giảm đáng kể nhập gạo từ Việt Nam.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang gặp khó khăn về đầu ra. Ảnh: baomoi.com |
Ngoài phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện thiếu tính ổn định. Nếu như năm 2013, châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam, thì nay, thị trường này đã không còn nằm trong tốp 5. Xuất khẩu gạo cũng đang đi theo chiều hướng tiêu cực khi gạo Việt Nam ngày càng mất khả năng cạnh tranh với gạo các nước.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, từng nhận định, trong khi gạo Thái, gạo Campuchia chủ yếu trồng một vụ, cho gạo thơm ngon và an toàn thì gạo Việt Nam lại sử dụng các giống canh tác ngắn ngày (3 tháng/vụ) và trồng 2-3 vụ/ năm nên đạt chất lượng thấp. Điều này phần nào lý giải vì sao gạo Việt Nam chật vật trong tìm kiếm đơn hàng, luôn bán ở mức giá thấp nhất thế giới, khó làm thương hiệu và mới chỉ đi các bước thăm dò, khiêm tốn vào những thị trường cấp cao như Mỹ, châu Âu.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nội địa đã xây dựng thương hiệu gạo cao cấp như Công ty Gentraco với thương hiệu gạo Ngọc Đồng, Tập đoàn Lộc Trời với thương hiệu gạo Hạt Ngọc Trời, Công ty Gạo Hoa Lúa với thương hiệu gạo sạch Hoa Lúa…Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, trước mắt, cơ hội để gạo Việt Nam tìm kiếm các thị trường thay thế sẽ rất gian nan.
Ngọc Thủy