Thanh Hương Thứ Hai | 30/05/2022 14:00

Gạo Việt so kè gạo Thái

Gạo Việt đang bám đuổi, thậm chí có dấu hiệu vượt mặt gạo Thái ở nhiều thị trường quan trọng.

Trong một bài viết trên tờ Bangkok Post vào năm ngoái, người Thái đã bày tỏ sự lo ngại về sự thụt lùi của ngành gạo nước nhà và dè chừng với chiến lược lúa gạo của người Việt: nhập khẩu gạo giá rẻ của người Ấn để đáp ứng nhu cầu trong nước và tập trung nguồn gạo ngon, giá cao cho thị trường xuất khẩu.

Thực vậy, Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường. Những năm trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35-40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo, nhưng đến năm 2020 là 75-80%. Chính sách này đã đưa gạo Việt trở thành đối thủ cạnh tranh trực diện với gạo Thái thay vì gạo Ấn, gạo Parkistan ở phân khúc gạo thường như trước đây.

 

Trước năm 2020, giá gạo Thái vẫn luôn ở ngôi vương và gần như không có đối thủ. Từ năm 2020, giá gạo xuất khẩu ở phân khúc gạo 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan liên tục rượt đuổi. Gạo Việt Nam dần san bằng giá với gạo cùng loại của Thái và dần vượt lên vào năm ngoái. Cuối năm 2021, giá gạo Việt Nam bán trên thị trường thế giới ở mức 425-429 USD/tấn, trong khi gạo Thái thấp hơn 42 USD/tấn so với gạo Việt. Đến tháng 3/2022, giá gạo Việt tiếp tục tăng thêm trong khi gạo Thái giảm.

Liên tục xúc tiến nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo, đến tháng 5 vừa qua, giá gạo Thái bất ngờ lên mức 448 USD/tấn, cao hơn của Việt Nam. Theo Bangkok Post, do tình hình thế giới nhiều bất ổn, giá lúa gạo của nước này tiếp tục tăng thêm ít nhất 5% trong quý II/2022.

Không chỉ giá, cạnh tranh về thị trường cũng khốc liệt không kém. Vài năm trở lại đây, Việt Nam bắt đầu tăng sản lượng xuất khẩu vào các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật, ASEAN, Trung Quốc, châu Phi. Đây đều là những thị trường đã ghi đậm dấu ấn của người Thái.

Thị trường châu Âu sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm gạo cao cấp, được trồng đúng tiêu chuẩn gạo sạch. Lộc Trời, Trung An... là 2 công ty liên tục chốt được đơn hàng xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá cao sang các thị trường châu Âu, Mỹ. Đây là thị trường tiềm năng cho gạo Việt sau khi Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 

Tại thị trường ASEAN, Việt Nam đang dần chiếm ưu thế. Philippines nhập khẩu chính từ Việt Nam và Thái Lan. Hằng năm, 2 nước vẫn liên tục bỏ thầu và cuộc chiến thường nghiêng về người bỏ giá thấp hơn. Đầu năm nay, đơn hàng của Philippines đã về tay Việt Nam mặc dù giá gạo Việt bán cao hơn của Thái Lan.

 

Hay tại Indonesia - thị trường thứ 2 của Việt Nam trong khu vực ASEAN, năm 2020, sản lượng gạo Việt Nam và Thái Lan nhập khẩu tương đương nhau, nhưng hiện gạo Việt có xu hướng vượt lên do chất lượng và giá cạnh tranh, theo ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam. Cũng theo ông Cường, cơ cấu gạo Việt xuất khẩu đang chuyển dịch theo hướng tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, hay gạo trắng chất lượng cao.

Trong khi đó, tại Trung Quốc - thị trường quan trọng xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam, vài năm trở lại đây Việt Nam đã để Thái Lan lấn át. Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết Việt Nam gần Trung Quốc hơn nhưng gạo Thái lại có sản lượng xuất khẩu vào Trung Quốc cao hơn. Cũng theo Giáo sư Xuân, những “chính khách” của Thái tại Trung Quốc luôn cố gắng hỗ trợ các sản phẩm nước họ, nhất là khi gặp khó ở các thị trường.

 

Chất lượng gạo cũng là một lĩnh vực so kè giữa Việt Nam và Thái Lan. Người Thái nhận ra rằng, gạo của họ dần không được ưa chuộng vì người tiêu dùng dần thích loại gạo mềm hơn, trong khi Việt Nam liên tục cho ra giống gạo mới. Vì thế, sau khi để mất thương hiệu gạo ngon nhất thế giới vào tay người Việt năm 2019, ngay sau đó, Thái Lan liên tục tìm giống mới để giành lại thương hiệu gạo ngon nhất thế giới 2020 và 2021.

Theo Bangkok Post, người Thái đang tìm cách lấy lại vị thế xuất khẩu số 1 thế giới. Nếu trước đây, Thái Lan luôn là nước đứng đầu về sản lượng xuất khẩu thì vài năm nay họ tụt xuống vị trí thứ 3, sau Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ chủ yếu là gạo thường, chỉ có Việt Nam và Thái Lan “so găng” ở dòng gạo cao cấp.

Hiện thế giới đang bước vào “cơn sốt” thiếu lúa gạo trong khi Việt Nam và Thái Lan có đủ năng lực xuất khẩu, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân. Giá gạo của các nước Thái Lan, Pakistan đang ăn theo cơn sốt lúa gạo và tiếp tục tăng giá, nhưng giá gạo Việt vẫn đứng yên mặc dù Việt Nam cung cấp 7-10% sản lượng cho thị trường gạo thế giới. Dù vậy, theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Việt Hưng, giá gạo Việt thời gian tới sẽ tăng theo xu hướng tăng giá lương thực toàn cầu.

Trước nguy cơ thiếu hụt lúa gạo như hiện nay, cuộc đua giá gạo thời gian tới không chỉ có Việt Nam, Thái Lan mà còn cả các nước khác với nhiều bất ngờ còn ở phía sau.