Gạo Việt rồi chỉ bán được cho người nghèo
Gạo chỉ tăng về lượng trong khi chất giảm và không nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Tại hội thảo về xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh do Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương tổ chức ngày 15/4, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dẫn câu chuyện về hạt gạo Việt để minh chứng cho sức cạnh tranh ngày càng yếu ớt của hàng hóa “Made in Việt Nam”.
Những quy định nói không với cạnh tranh
“Trong tương lai, giới trung lưu chắc sẽ ăn gạo Thái, Campuchia. Khi giới trung lưu càng nhiều, chắc gạo Việt Nam chỉ bán cho người nghèo ở đâu đó”, bà Phạm Chi Lan nói.
Lý do của nhận định này, theo bà Lan, gạo chỉ tăng về lượng trong khi chất lượng giảm và không nâng cao được năng lực cạnh tranh .
Bà Lan dẫn câu chuyện của công ty Cỏ May làm ví dụ. Khi tìm được đối tác xuất khẩu gạo sang Singapore, Cỏ May phải ủy thác xuất khẩu cho một DN khác “đủ điều kiện” để thực hiện hợp đồng, không thể trực tiếp xuất gạo cho đối tác Singapore.
Bởi vì, dù có nhà máy nhưng DN này không thể được cấp phép xuất khẩu gạo do không đáp ứng được quy định của Nghị định 109/NĐ-CP năm 2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo nghị định này, doanh nghiệp (DN) phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; có ít nhất 1 một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Cuối cùng đối tác Singapore đã hủy giao dịch vì không tin tưởng vào Cỏ May.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng phải thốt lên: Ở Việt Nam đầy những quy định phản cạnh tranh, phi cạnh tranh. Họ áp dụng các hình thức phản cạnh tranh một cách phi điều kiện. Quan trọng hơn và thách thức hơn là tư duy vì thị trường, thân thiện với thị trường ở ta quá xa lạ.
Ông Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên của CIEM liệt kê ra hàng loạt những quy định được ban hành theo kiểu “nói không với cạnh tranh” .
Đó là, trao quyền kinh doanh độc quyền cho một nhà cung cấp như điện, than… Bên cạnh đó là việc nâng chi phí cho việc gia nhập, hay rút lui khỏi thị trường.
Đơn cử theo Nghị định 86/NĐ-CP năm 2014, DN vận tải muốn được kinh doanh phải có từ 20 xe trở lên đối với ở địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương, và 10 xe trở lên ở các địa phương còn lại. Trong khi trước đó chỉ cần có 1 xe cũng được quyền gia nhập thị trường và cạnh tranh trên đường.
Hay là việc giá xăng được ấn định, trong đó có cả lợi nhuận định mức và hoa hồng định mức khiến không DN nào có nhu cầu cạnh tranh, không làm tốt hơn, không giảm giá…
Phá sản cả hãng ô tô để môi trường cạnh tranh
Ông Micheal Woods, chuyên gia tư vấn quốc tế về cạnh tranh đã kể một trường hợp của một hãng ô tô Australia như một minh chứng cho việc các nước tôn trọng sự cạnh tranh như thế nào.
Ông Micheal Woods chia sẻ: Tại Australia một hãng ô tô lớn đã không thể trụ được vì không thể cạnh tranh với ô tô nhập khẩu. Khi đó Chính phủ đã hỗ trợ DN đó từ nguồn thuế để duy trì hoạt động vì lợi ích của người lao động và DN đang nắm giữ nhiều đất đai lao động. Thế nhưng Ủy ban Công bằng cạnh tranh quốc gia đã có ý kiến với Chính phủ để DN đó phá sản.
“Đó là điều bình thường, vì trong cạnh tranh chúng ta phải chấp nhận những thiệt hại, mất mát. Một lượng lớn lao động sẽ mất việc nếu DN phá sản nhưng đó là điều bình thường” – ông Micheal Woods nói.
“Điều bình thường” ấy ở Australia dường như còn xa lạ với Việt Nam.
Dẫn lại câu chuyện ưu đãi thuế gần 3 tỉ đô la cho lọc dầu Nghi Sơn, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Nhà máy đầu tư 9 tỉ đô la nhưng hỗ trợ thuế nhập khẩu có thể phải lên tới 3 tỉ đô la, chưa nói đến các ưu đãi đất đai. Tập đoàn dầu khí Việt Nam - PVN còn đại diện cam kết bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu Nghi Sơn trong khi bản thân PVN cũng có 25% cổ phần ở nhà máy này.
“Đây là điều đáng suy nghĩ cho ngân sách trong khi chúng ta đang truy thu, tận thu thuế các DN nhỏ và vừa” , bà Lan phát biểu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chỉ ra ở Việt Nam không chỉ có bất bình đẳng giữa DN Nhà nước với khu vực tư nhân trong nước, mà còn có sự bất bình đẳng giữa khu vực FDI với DN tư nhân trong nước. Vì vậy các DN tư nhân trong nước ngày càng nhỏ đi. Đó là những bất bình đẳng trong cạnh tranh.
Theo ông Micheal Woods, muốn xây dựng chính sách cạnh tranh thì không nên tạo ra lợi thế cho DN nhà nước bởi vì họ được sở hữu bởi nhà nước. Nếu cạnh tranh không bình đẳng thì chúng ta sẽ bóp méo thị trường. Điều này không góp phần nâng cao năng suất lao động, không giảm giá thành sản phẩm, không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
TS Nguyễn Đình Cung kết luận: Tôi chưa thấy được cải cách môi trường kinh doanh thật sự tại Việt Nam.
“Nếu giao cho các bộ bỏ giấy phép con là không bao giờ làm được, chỉ có tăng lên. Chỉ khi có một cơ quan độc lập làm thì mới có thể bỏ được. Các quy định của Luật Đầu tư, Luật DN có nguy cơ không bỏ được giấy phép con” – ông Nguyễn Đình Cung lo ngại.
Nguồn Vietnamnet