Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nguồn ảnh: Báo Dân Việt
Gạo Việt gặp khó tại Trung Quốc
Thị trường sụt giảm mạnh
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2018 Việt Nam xuất khẩu 6,1 triệu tấn thì gạo đưa sang Trung Quốc chỉ đạt 1,33 triệu tấn, chiếm chưa đến 22% tổng lượng gạo xuất khẩu. Số lượng sụt giảm mạnh so với năm 2017, trong tổng sản lượng xuất khẩu 5,7 triệu tấn thì riêng thị trường Trung Quốc đã mua đến 2,2 triệu tấn, chiếm 38,5%.
Hiện chưa có số lượng xuất khẩu gạo Việt sang Trung Quốc trong tháng đầu năm, nhưng theo VFA, thị trường không có nhiều biến động so với trước đây.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), chủ tịch VFA, cho biết kể từ tháng 6.2018 đến nay, Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu gạo Việt Nam lên mức 50%, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang đây.
Cụ thể, trong số 152 doanh nghiệp xuất khẩu gạo là thành viên của VFA mới chỉ có 21 doanh nghiệp được phía Trung Quốc cho phép xuất khẩu gạo vào thị trường nước họ. "Với những tác động kể trên, Trung Quốc chỉ còn chiếm 22% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam so với trên 30% của các năm trước", ông Nam cho biết.
Thay đổi thị trường và chiến lược xuất khẩu
Ngay sau khi gặp khó vào Trung Quốc, Việt Nam đã thay đổi nhiều chính sách xuất khẩu. Trong đó, chính phủ tháo bỏ nghị định 107 cho các doanh nghiệp gạo Việt được phép xuất khẩu. Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh An Giang, cho biết tình hình xuất khẩu gạo sau khi nghị định 107 có hiệu lực cũng không quá đột biến do thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vẫn là yếu tố chính.
Tại cuộc họp với các doanh nghiệp tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) vào cuối năm 2018, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết không chỉ gạo mà nhiều nông sản khác của Việt Nam cũng sẽ gặp khó do các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và thông tin trên bao bì mà phía Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, đây là các yêu cầu hợp lý của các thị trường nhập khẩu chứ không riêng gì Trung Quốc.
Vì vậy, để sản phẩm vào được Trung Quốc, Công ty Vinamit đã vất vả 3 năm làm giấy chứng nhận và thay đổi dòng sản phẩm organic mới đưa được hàng hóa vào thị trường này. Hiện nay, nhiều sản phẩm của Vinamit vẫn được xuất khẩu đều đặn sang Trung Quốc, vào các hệ thống siêu thị và nhà hàng lớn. Bên cạnh thuế cao, tiêu chuẩn chất lượng cũng ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất khẩu của nông sản Việt.
Sản phẩm cá tra của Vĩnh Hoàn cũng được xuất khẩu đều đặn sang thị trường này với số lượng lớn. Nhưng, cá tra của công ty này vốn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe vào thị trường Mỹ từ nhiều năm nay nên dễ dàng thông quan vào Trung Quốc. Trong khi, nhiều san phẩm nông sản của Việt Nam khác vẫn chưa có tiêu chuẩn xuất khẩu nên vẫn khó vào thị trường này. Con đường sản phẩm Việt muốn vào đây sẽ phải đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng và tiêu chuẩn canh tác.