Con đường xuất khẩu gạo Việt đang mở rộng với doanh nghiệp Việt. Ảnh:nhipsongdoanhnghiep
Gạo Việt đã tự tin bước ra thế giới
Gía vào châu Âu đã tăng
Vốn là doanh nghiệp “kỳ cựu” trong lĩnh vực xuất khẩu, gạo của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An không mấy xa lạ với với thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, trong lô hàng xuất đi cuối tháng 8, Trung An đã có mức giá khác. Đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo sang EU theo phẩm cấp cao, khi Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo thơm ST20 và Jasmine với 3 doanh nghiệp ở Đức, với giá là 1.008 USD/tấn (FOB) tại cảng TP.HCM.
Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Trung An, lô hàng đầu tiên xếp vào ngày 27.8 có 6 container (tương đương 150 tấn gạo) được áp dụng thuế suất 0% và giá đã tăng vọt lên 1.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với giá trước đây chỉ khoảng 600 USD/tấn. Công ty đang đóng hàng để xuất tiếp lô thứ 2.
Đã qua thời Việt Nam xuất khẩu gạo lấy số lượng làm chủ lực, bởi nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường đã thay đổi rất nhiều. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
EU có những quy định rất chặt chẽ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt gạo. Để có thể xuất khẩu gạo vào thị trường khó tính này, Công ty Trung An đã chuẩn bị vùng nguyên liệu từ năm 2012. Tại các vùng nguyên liệu này, người nông dân phải trồng lúa theo quy trình GlobalGAP.
Ông Phạm Thái Bình, chia sẻ: Đã qua thời Việt Nam xuất khẩu gạo lấy số lượng làm chủ lực, bởi nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường đã thay đổi rất nhiều. EVFTA được thực thi giúp nâng giá trị của gạo Việt Nam tại thị trường EU.
"Khi thực thi EVFTA, thuế suất giảm về 0%, giá bán lẻ của gạo Việt sẽ có sức cạnh tranh lớn với các quốc gia xuất khẩu gạo khác", ông Phạm Thái Bình chia sẻ. So với các thị trường nhập khẩu khác, thị trường EU chấp nhận nhập khẩu gạo với mức giá cao, có sản phẩm gạo lên đến 2.000 USD/ tấn và Việt Nam có thể đạt được điều này.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đây là mức giá đáng mơ ước và là kỷ lục mới của ngành lúa gạo Việt Nam trong quá trình xuất khẩu nhiều năm qua.
Không chỉ Trung An, thời gian qua doanh nghiệp Cỏ May cũng xuất khẩu lô hàng gạo cao cấp sang Australia với giá trên 1.000 USD/tấn. Cỏ May cũng đang chuẩn bị những lô hàng khác với giá trị cao để xuất khẩu sang thị trường EU và tin tưởng giá gạo phẩm cấp cao của Việt Nam sẽ đạt được mức giá cao.
Một đơn vị khác là Vinaseed, một thành viên của Tập đoàn PAN (The PAN Group) vừa xuất sang châu Âu với mức giá 1.040 USD mỗi tấn. Đây là giá bán vượt trội so với giá gạo trung bình xuất khẩu của Việt Nam, ngang hàng với loại gạo ngon top đầu của Thái Lan.
Thị trường quốc tế đang rộng mở cho gạo Việt
Ông Nguyễn Quang Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), chia sẻ với báo chí: Để xuất khẩu gạo vào EU, công ty đã chuẩn bị ngay từ khi EVFTA đang đàm phán, bắt đầu với vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và lựa chọn hệ thống quản lý FSSC 22000. Chứng nhận được cấp sau 8 tháng vận hành và trải qua quá trình đánh giá khắt khe và nghiêm ngặt.
Được biết, năm 2019, Vinaseed đã xuất khẩu trên 2.000 tấn gạo sang EU đạt kim ngạch khoảng 2 triệu USD. Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU thường là loại chưa qua chà xát, không có thương hiệu và chịu thuế nhập khẩu rất cao. Nhưng khi hiệp định EVFTA được thông qua, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm xuất khẩu với thuế xuất 0%, điều này tạo lợi thế không nhỏ cho các nhà sản xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Trường, công ty có thêm lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ. Năm 2020, thành viên của The PAN Group đặt mục tiêu xuất khẩu 5.000 tấn gạo sang EU, gấp đôi năm ngoái. “Khi thuế suất giảm về 0%, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường cao cấp này”, ông Trường nhấn mạnh.
Nhìn lại thị trường, theo cam kết của Hiệp định EVFTA, EU chỉ mới dành ưu đãi 0% cho 80.000 tấn gạo Việt, thấp hơn nhiều so với khả năng cung ứng của Việt Nam khi con số có thể lên tới 3 triệu tấn gạo thơm mỗi năm. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp thì đây vẫn là một khởi đầu thuận lợi cho gạo Việt.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Lương thực Tấn Vương (An Giang) đang có vùng nguyên liệu hơn 4.000 ha trồng lúa hữu cơ, lúa sinh thái ở An Giang và Cà Mau. Thời gian qua gạo của Công ty đã xuất sang Đức, Pháp. Dự kiến vào đầu năm sau doanh nghiệp này sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu tại EU, trong đó vẫn ưu tiên 2 thị trường truyền thống là Đức và Pháp.
Ảnh: Quý Hòa. |
Trong khi đó, nhiều năm qua Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Angimex - Kitoku (AKJ) đã sản xuất lúa Nhật theo quy trình, tiêu chuẩn riêng, vẫn xuất khẩu sang thị trường châu Âu và nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp này cũng đã xây dựng vùng nguyên liệu 4.000 ha/năm, chế biến và xuất khẩu sang nhiều nước với sản lượng khoảng 10.000 tấn gạo/năm.
Theo bà Trần Ngọc Châu, Phó Giám đốc Công ty AKJ, dù tiêu chuẩn GlobalGAP và tiêu chuẩn sản xuất lúa Nhật không giống nhau nhưng sản phẩm gạo từ lúa Nhật được theo quy trình riêng vẫn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính.
"Không phải đợi đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực mới xuất khẩu vào thị trường khó tính, mà chúng tôi đã xuất đi nhiều năm nay, bà Châu chia sẻ. Thực tế, Gạo Việt Nam có thể xuất khẩu đi toàn cầu, cả những quốc gia có đòi hỏi khắt khe như Mỹ, Úc, châu Âu...”, ông Phạm Minh Thiện, chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm: