Đang có nhiều triển vọng hơn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa
Gạo tìm cơ hội trong khủng hoảng
Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đạt 894 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế đạt 136,5 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 25% lên 123,2 tỉ đồng. Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinaseed, cho biết mặc dù xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới an ninh lương thực thế giới nhưng trên thực tế, Vinaseed không được hưởng lợi vì giá xuất khẩu chỉ tăng khoảng 5% trong khi giá đầu vào như chi phí nguyên liệu, logistics, phân bón tăng rất cao...
Tình thế đảo chiều
Đây là lý do khiến dù ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhưng cả Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Xuất nhập khẩu An Giang đều ghi nhận thua lỗ do chi phí bào mòn lợi nhuận. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, Lộc Trời đạt doanh thu thuần gần 5.893 tỉ đồng, tăng hơn 15% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 138 tỉ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu An Giang cũng lỗ ròng 10 tỉ đồng quý II và 3 tỉ đồng 6 tháng đầu năm 2022, chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Theo giải trình, khoản lỗ này là do chi phí bán hàng, logistics tăng mạnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo. Ảnh: Quý Hòa |
Mặc dù vậy, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, tình hình có nhiều triển vọng hơn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trước tình trạng thiếu hụt lương thực ngày càng trầm trọng trên thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tồn kho gạo toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi dự báo tỉ lệ tồn kho/tiêu thụ trong giai đoạn 2022-2023 chỉ ở mức 34,4% (so với mức trung bình 36,6% của giai đoạn 2018-2022). Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, đã phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh, khiến sản lượng gạo của quốc gia này có thể bị giảm và dự kiến phải tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục là khoảng 6 triệu tấn vào niên vụ 2022-2023. Trong khi đó, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo.
Ai hưởng lợi?
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, chiếm khoảng 7,8% thương mại gạo toàn cầu. Vì vậy, sự thiếu hụt gạo trên thị trường thế giới giúp Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo.
Xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm nay đạt gần 4,8 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới (sau Ấn Độ) và cao nhất so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm trước, lượng gạo xuất khẩu tăng tới 20,7%, được đánh giá là “tốc độ tăng hiếm thấy”. Nếu không có bất thường thời tiết và thị trường, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt 6,5-6,7 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,2-3,3 tỉ USD.
Trên thị trường các doanh nghiệp như Lộc Trời, Tập đoàn PAN và Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đều có tỉ trọng xuất khẩu gạo lớn và sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng. Trong đó, Lộc Trời sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả 2 thị trường trọng yếu trong thời điểm này là châu Âu và Trung Quốc.
Với định hướng phát triển tập trung vào mảng lương thực, tỉ trọng doanh thu của mảng gạo đạt 39% trong năm 2021 (2020 là 28%) và 57% trong 6 tháng đầu năm 2022. Mặc dù biên lợi nhuận gộp của mảng này thấp (2-3%), phân tích của VNDirect cho rằng điều đó sẽ được cải thiện nhờ giá gạo xuất khẩu tăng. Sản lượng gạo xuất khẩu tăng sẽ kéo theo các hợp đồng với nông dân và mở rộng vùng nguyên liệu. Từ đó sẽ thúc đẩy doanh thu của mảng thuốc bảo vệ thực vật cũng như mảng giống cây trồng của Lộc Trời.
Trong khi đó, Trung An sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán. Kinh doanh gạo là lĩnh vực chủ yếu của Trung An với tỉ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Hơn nữa, việc giá gạo xuất khẩu được kỳ vọng tăng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp vào thị trường này, nơi vốn được coi là có biên lợi nhuận thấp so với thị trường châu Âu.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Trung An, lý giải, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA... đang tạo dư địa cho gạo chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao. "Doanh nghiệp nào sớm chuyển đổi mô hình sản xuất từ hàng chất lượng thấp sang các giống gạo thơm, đáp ứng được tiêu chuẩn từ các nhà nhập khẩu sẽ có cơ hội bán với giá tốt", ông Bình cho biết.
Lãnh đạo của PAN đã chia sẻ về động lực tăng trưởng của các mảng hoạt động hiện tại của Tập đoàn. Trong đó, công suất mảng giống cây trồng của PAN đạt 90.000 tấn giống cây trồng/năm và 78.000 tấn gạo/năm. Việc mở rộng nhà máy Đồng Tháp giai đoạn 2 sẽ là bước tiến để gia tăng công suất của mảng này. Giai đoạn 2 ước tính có tổng mức đầu tư 3,5 triệu USD sẽ tăng công suất thêm 40.000 tấn gạo/năm và 20.000 tấn giống/năm. Năm 2022, PAN đặt kế hoạch 14.300 tỉ đồng doanh thu và 755 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
“PAN đã lên kế hoạch cho xuất khẩu, hầu hết các đơn hàng đi EU đã được đặt đến tháng 11-12, gạo xuất khẩu chất lượng, đơn hàng lớn. Các công ty gạo khác cũng rất sẵn sàng. Tóm lại, việc khủng hoảng tác động tiêu cực không lớn, cơ hội thì nhiều so với thế giới”, bà Kim Liên cho biết.