Thứ Tư | 18/05/2016 09:00

Gạo sạch cần 1, an toàn cần 10

Tại thị trường nội địa, gạo an toàn vẫn có rào cản lớn do người tiêu dùng vẫn còn chuộng mặt hàng gạo xá giá rẻ tại các chợ truyền thống.

Cách đây 2 năm, NCĐT đã từng giới thiệu về mô hình gạo hữu cơ và ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú, dự đoán rằng: “Trong 3-5 năm tới, gạo hữu cơ sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về nhận thức của người tiêu dùng và lượng gạo sẽ không đủ cung cấp”.Dự báo này dường như đang trở thành hiện thực khi thực phẩm sạch và gạo sạch ngày càng trở thành vấn đề lớn trong tiêu dùng.

Khi NCĐT đề cập vấn đề “sạch”,  hầu hết doanh nghiệp sản xuất gạo cho rằng, khái niệm “sạch” nên được thay bằng “an toàn”. Bởi vì, gạo an toàn hàm ý rộng hơn, trong đó có các loại gạo được sản xuất hoàn toàn tự nhiên, thuốc bảo vệ thực vật được kiểm soát chặt chẽ, quy trình sản xuất được đầu tư công nghệ cao giữ được các yếu tố có lợi của gạo. Đặc biệt, những loại gạo này hoàn toàn không có chất bảo quản, chất tẩy, chống mọt...

Theo xu hướng này, thị trường đang có những loại mới như gạo thảo dược, gạo hữu cơ, gạo an toàn. Hay nói cách khác, đây là những sản phẩm có nguồn gốc từ quy trình sản xuất lúa bền vững, được thực hiện khép kín từ khâu nghiên cứu, lai tạo giống, cho đến gạo thành phẩm.

Đi đầu sản xuất gạo an toàn có những doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, ITA-RICE, Viễn Phú, Vĩnh Hòa... Đây là thị trường khó tham gia vì đòi hỏi các khoản đầu tư lớn, định hướng thị trường trong thời gian dài trước khi được người tiêu dùng tiếp nhận. Hầu hết các doanh nghiệp đều phải trải qua nhiều năm nghiên cứu và đầu tư cao về hệ thống nhà máy.

Chẳng hạn, Tập đoàn Lộc Trời mất đến 20 năm để nghiên cứu và phát triển các loại gạo mới. Đến năm 2010, tập đoàn này mới chính thức xây dựng nhà máy đầu tiên và đến nay đã có được 5 nhà máy với tổng diện tích vùng nguyên liệu hơn 100.000 ha. ITA-RICE có quy mô nhỏ hơn, nhận tư vấn và tham gia nghiên cứu của Giáo sư Võ Tòng Xuân từ những năm 2007 đến năm 2011 mới có sản phẩm đầu tiên ra mắt thị trường.

Phát triển mô hình gạo an toàn đòi hỏi có diện tích vùng nguyên liệu lớn nên hầu hết các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với nông dân. Ông Minh Khải, đại diện thương hiệu gạo Viễn Phú, cho biết, mô hình gạo hữu cơ đòi hỏi phải tái cấu trúc đất trồng lúa nên cũng đòi hỏi cao về vốn. Ngoài ra, sản xuất gạo hữu cơ yêu cầu nghiêm ngặt từ khâu giống đến hạ tầng gieo trồng, quản lý chất lượng. Do đó, doanh nghiệp chỉ dám tự sản xuất, chưa dám liên kết bởi chưa có quy chế rõ ràng.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Thanh Nhuận, Phó Giám đốc ngành lương thực Tập đoàn Lộc Trời, liên kết với nông dân là khó khăn bước đầu vì đòi hỏi doanh nghiệp phải có chính sách giá không để nông dân thiệt thòi.

Ông Trần Dương, Tổng Giám đốc ITA-RICE, cũng đồng tình quan điểm này: “Trong quá trình thu mua, Công ty phải có chính sách trợ giá cho nông dân từ 5-10%, giá giống cao, giá thu mua cao nên chắc chắn là giá thành phẩm cao nên doanh nghiệp chấp nhận chịu thiệt thòi trước”.

Thực hiện quy trình sản xuất này, Lộc Trời liên kết được 25.000 hộ nông dân, với số lượng kỹ sư “nằm vùng” cùng bà con là 1.500 người. Trong tổng diện tích vùng nguyên liệu gần 100.000 ha, tập đoàn này có một vùng nguyên liệu tại Campuchia. 5 nhà máy có công suất chế biến hơn 100.000 tấn gạo/nhà máy/năm với mức đầu tư tổng cộng gần 1.000 tỉ đồng. Đến nay, gạo của Lộc Trời đã xuất khẩu sang 32 nước khoảng 200.000 tấn/năm, giá từ 400-700 USD/tấn.

Hiện nay, Lộc Trời cung ứng cho thị trường trong nước 30.000 tấn/năm và theo ông Nhuận, năm 2016, Công ty phấn đâu nâng mức cung ứng cho thị trường nội địa lên 50.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đối với thị trường nội địa, gạo an toàn vẫn có rào cản lớn do người tiêu dùng vẫn còn chuộng mặt hàng gạo xá giá rẻ tại các chợ truyền thống.

Không có được quy mô lớn như Lộc Trời, ITA-RICE tham gia sân chơi lại có phần khiêm tốn hơn khá nhiều. Tuy nhiên, công ty này đi theo hướng sản xuất gạo theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp quốc tế Global G.A.P và có vùng nguyên liệu hơn 300 ha và nhà máy được đầu tư hơn 100 tỉ đồng. ITA-RICE tập trung vào thị trường nội địa với 150 tấn gạo thương phẩm mỗi tháng với giá bán lẻ đang ở mức 26.000-30.000 đồng/kg.

“Do đầu tư cho gạo an toàn cao, bảo quản khó khăn, nên chúng tôi có lời rất ít, thậm chí lỗ. Tuy nhiên, đòi hỏi gạo an toàn của xã hội khiến chúng tôi liều, chấp nhận thiệt thòi trước, lợi nhuận sau”, ông Trần Dương cho biết. Ông Dương đề xuất, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động truyền thông để người tiêu dùng hiểu hơn về vai trò của gạo an toàn.

Theo góp ý của ông Thanh Nhuận, Bộ Công Thương nên chủ động hướng dẫn và tư vấn về thị trường cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đồng thời, cần có những chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp để mở rộng hệ thống phân phối sản phẩm. Mặt khác, cũng cần có những tiêu chuẩn riêng để xác định gạo sạch nói riêng và thực phẩm nói chung, giúp doanh nghiệp giữ được uy tín và tính hợp pháp trong cạnh tranh.

Dẫn chứng về điều này, bà Lưu Ngọc Mỹ, Phó phòng Marketing của Lộc Trời, cho rằng, tại Thái Lan, gạo đạt chuẩn sẽ có logo và ký hiệu rõ ràng, vừa giúp cho người tiêu dùng nhận biết về chất lượng gạo, vừa giúp doanh nghiệp cạnh tranh tốt hơn. “Tại Việt Nam, các tiêu chuẩn về gạo còn khá đơn giản chỉ với hơn 100 tiêu chuẩn, trong khi tại Trung Quốc đã có hơn 300 và Nhật, Mỹ cũng hơn 600 tiêu chuẩn...”, bà Mỹ dẫn chứng thêm.

Tiến sĩ Jagdish Ladha, chuyên gia cấp cao, Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế, cho rằng: “Cần mở rộng quy mô chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam không chỉ là hàng ngàn mà còn là hàng triệu người Việt Nam, bắt đầu từ một công ty nhưng dần dần mô hình này có thể được nhân rộng để Việt Nam được biết đến là một quốc gia sản xuất gạo bền vững”.

Đáng chú ý là cuối năm 2015, quy trình sản xuất lúa có nguồn gốc từ vùng nguyên liệu canh tác theo quy trình bền vững của Tập đoàn Lộc Trời đã được Diễn đàn Lúa gạo Bền vững Quốc tế (Sustainable Rice Platform - SRP) chọn làm chuẩn mực lúa gạo đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo. Việt Nam là 1 trong 8 nước được chọn làm thí điểm thực hiện bộ chuẩn mực này.

Theo ông Paul Nicholson, Tổng Giám đốc Công ty Lúa gạo Quốc tế Olam, chất lượng gạo của Việt Nam rất tốt, việc cần làm lúc này là tìm hiểu nhu cầu khách hàng để đáp ứng cho chính xác. Thông qua SRP, người tiêu dùng trên thế giới sẽ biết đến gạo của Việt Nam nhiều hơn.

Đức Tài