Ảnh: asia.nikkei.com

 
Thanh Hương Thứ Tư | 25/09/2019 10:00

Găng nhỏ lợi to

Găng tay cao su đang là lợi thế của các nhà sản xuất Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa trở về tiếp quản công ty gia đình, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nam Long, bắt đầu mở thêm mảng sản xuất găng tay cao su bên cạnh sản phẩm dây thun truyền thống.

Theo số liệu Nam Long khảo sát, hiện trung bình mỗi người Việt Nam dùng chưa tới một đôi găng tay/năm. Trong khi đó, theo số liệu của Top Glove Corp BHD (Malaysia), mức tiêu thụ găng tay cao su bình quân đầu người ở các nước phát triển là 28,6 chiếc/năm, với mức tăng trưởng sản lượng bình quân khoảng 6-8%/năm. Tại những thị trường như Mỹ, Nhật, tiêu thụ găng tay bình quân đầu người có thể lên tới 70 chiếc/năm.

 

Sản phẩm găng tay công nghiệp do Nam Long cung cấp đang chiếm từ 50-60% nhu cầu của các doanh nghiệp thủy sản như Nam Việt, Thái Bình Dương, Hùng Vương, Minh Phú, Hùng Cá... Hiện Nam Long cung cấp khoảng 25 triệu đôi/năm, cao hơn rất nhiều so với con số 4 triệu đôi của năm 2001.

Nếu tính giá bán bình quân 13.000-22.000 đồng/đôi, doanh số mỗi năm của Nam Long không lớn. Tuy nhiên, để có được dây chuyền sản xuất không hề đơn giản, trong đó chủ yếu là chi phí nhập khẩu khuôn mẫu, vì trong nước chưa sản xuất được khuôn mẫu chất lượng cao. Với khoảng hơn 25.000 cặp khuôn, giá một cặp 50-60 USD, chỉ tính riêng tiền khuôn mẫu cũng lên tới con số hàng chục tỉ đồng.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu găng tay cao su thiên nhiên Việt Nam đạt 96,4 triệu USD. Trong hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu găng tay cao su thiên nhiên, trong đó 10 doanh nghiệp dẫn đầu chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu như Sunmax Việt Nam, VRG Khải Hoàn, White Glove, Nam Long... Theo số liệu của ResearchAndMarkets, thị trường găng tay cao su toàn cầu chiếm 2.214 tỉ USD năm 2017 và dự kiến đạt 4.985 tỉ USD vào năm 2026 tăng trưởng với tốc độ CAGR dự báo là 9,4%.

Năm 2018, găng tay cao su Việt Nam được xuất khẩu đến 67 thị trường, với tổng kim ngạch đạt 96,4 triệu USD. Trong đó chủ lực là thị trường Nhật với 32,4%, tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Anh và Đức... Sản phẩm găng tay cao su được sản xuất ở Việt Nam gồm găng tay y tế, găng tay gia dụng, găng tay công nghiệp, găng tay bảo hộ lao động và bao ngón tay.

 

Theo ông Long, Việt Nam có lợi thế trong lĩnh vực này bởi 90% nguyên liệu làm ra găng tay là cao su thiên nhiên. Trong mủ cao su thiên nhiên có khoảng 30% là cao su, sau quá trình ly tâm, tỉ lệ cao su được nâng lên đến 60%. Doanh nghiệp sản xuất sẽ mua mủ cao su ở giai đoạn này, sau đó trộn với cao su hợp chất làm nguyên liệu sản xuất.

“Càng ở gần nguồn nguyên liệu càng thuận lợi, vì chi phí vận chuyển rất tốn kém”, ông Long cho biết. Trước nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, gần đây, khá nhiều doanh nghiệp ngoại tìm đến đầu tư nhà máy sản xuất găng tay cao su nhằm tận dụng lợi thế nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam.

Công ty Top Glove, một nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới, đã đầu tư 24,5 triệu USD để xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Top Glove đang đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu về găng tay vệ sinh. Ông Lim Wee Chai, Chủ tịch và người sáng lập của Top Glove, kỳ vọng nhu cầu găng tay toàn cầu sẽ tiếp tục tăng khoảng 10% mỗi năm. Nhà máy ở Việt Nam dự kiến bắt đầu sản xuất găng tay PVC vào giữa năm 2020, với công suất ước tính 4 tỉ chiếc găng tay mỗi năm. Trả lời Nikkei Asian Review, ông Lim cho biết, Top Glove chi gần 100 triệu USD mỗi năm hướng tới việc mở rộng nhà máy và nâng cấp tự động hóa. Đến năm 2019, Top Glove dự kiến nâng tổng công suất tăng lên 83,3 tỉ chiếc găng tay so với với 63 tỉ chiếc găng tay năm 2018. Theo nhà phân tích Nafisah Azmi của AmInvestment Bank, tỉ suất lợi nhuận ròng của Top Glove đã giảm xuống 8% trong năm 2019, so với 11,1% vào năm 2018. Công ty hy vọng đưa tỉ suất lợi nhuận lên mức 16% vào thời gian tới.

Trở lại với Nam Long, trước sự cạnh tranh của thị trường, Nam Long vẫn tập trung vào phân phối bằng kênh truyền thống tại các chợ, cửa hàng bảo hộ. Công ty cũng mở rộng đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị lớn nhỏ, các trang thương mại điện tử. Bên cạnh thị trường trong nước, hiện sản phẩm đã xuất khẩu đi những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và Hàn Quốc... theo hình thức OEM (Original Equipment Manufacturer - sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước) với tỉ trọng khoảng 20%.

Các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu găng tay cao su tìm đối tác tại Việt Nam ngày càng cao. Cuối tháng 8 vừa qua, ông Lee In Su, đại diện một doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam tìm đối tác sản xuất găng tay cao su. Công ty của ông Lee chuyên kinh doanh găng tay lao động và giờ cần tìm thêm nguồn cung mới ngoài đối tác ở Trung Quốc.

Trước đó, ông Cemil đến từ Công ty UGR (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng muốn nhập khẩu một container 20 feet găng tay cao su Latex. Theo ông Cemil, nhu cầu găng tay cao su Latex tại Thổ Nhĩ Kỳ rất lớn, nếu tìm được sản phẩm chất lượng, UGR sẽ đặt vấn đề lâu dài. Còn theo thông tin từ Công ty Tư vấn Vietgo, từ đầu năm đến nay, có khoảng 20 doanh nghiệp nước ngoài từ Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật, Anh, Ấn Độ, Canada, Ba Lan, Mỹ đến Việt Nam tìm đối tác để nhập khẩu găng tay cao su.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước đang lo ngại vì nhiều doanh nghiệp ngoại vào Việt Nam đặt nhà máy sản xuất sẽ khiến giá nguyên liệu tăng cao và các doanh nghiệp trong nước sản xuất số lượng ít sẽ khiến giá đầu ra cao, khó có thể cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.

► Hãng găng tay lớn nhất thế giới sẽ mở nhà máy tại Việt Nam

► Cơ hội lớn của găng tay y tế

► Nóng bỏng thị trường bao cao su