Thứ Tư | 11/09/2013 14:52

Gần hết năm, hàng loạt doanh nghiệp hạ chỉ tiêu lợi nhuận

Ở chiều ngược lại, cũng có những đơn vị xin tăng chỉ tiêu lợi nhuận. Với cả hai trường hợp, cổ đông không khỏi có những bức xúc và nghi ngờ.
Hợp lý hóa việc đã rồi

Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex ( PGI) vừa thống nhất điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2013 từ 135 tỷ đồng xuống còn 105 tỷ đồng, nghĩa là giảm 30 tỷ đồng so với kế hoạch đã được ĐHCĐ thông qua trước đó.

Theo PGI, sở dĩ Công ty quyết định điều chỉnh giảm lợi nhuận là do hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2013 gặp nhiều khó khăn, nửa đầu năm mới đạt 3 tỷ đồng lợi nhuận. Dù điều chỉnh giảm lợi nhuận, nhưng Công ty vẫn cam kết trả cổ tức 2013 cho cổ đông ở mức tối thiểu là 9%.

Trước đó, CTCP Đầu tư Tài chính giáo dục ( EFI) cũng đã nhất trí điều chỉnh giảm gần một nửa kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2013, từ 15,4 tỷ đồng xuống còn 8,3 tỷ đồng. Ngoài ra, chỉ tiêu doanh thu cũng được Công ty điều chỉnh giảm từ 25 tỷ đồng xuống còn 18,4 tỷ đồng.

Một loạt doanh nghiệp khác như CTCP Cao su Thống nhất ( TNC) điều chỉnh giảm lợi nhuận từ 43 tỷ đồng xuống còn 33,5 tỷ đồng. CTCP Chăn nuôi Phú Sơn ( PSL) mạnh tay điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2013 với lợi nhuận giảm từ 17,5 tỷ đồng xuống còn 4 tỷ đồng, trong khi doanh thu được điều chỉnh tăng nhẹ từ 181 tỷ đồng lên 185 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp dù chưa chính thức công bố, song cũng cho biết, HĐQT đã xem xét xin ý kiến cổ đông lớn về việc giảm kế hoạch lợi nhuận. Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán mới đây, lãnh đạo CTCP Xi măng Hoàng Mai (HOM) cho biết, mục tiêu lợi nhuận 95 tỷ đồng năm 2013 đặt ra từ đầu năm là khó khả thi (6 tháng đầu năm 2013, HOM lỗ hơn 23 tỷ đồng). Tuy nhiên mức giảm cũng như thời điểm điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận tại HOM sẽ do cổ đông lớn là Tổng CTCP Xi măng quyết định.

Nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013, có thể thấy nhiều doanh nghiệp niêm yết thuộc tất cả các ngành hàng chỉ mới hoàn thành dưới 20% kế hoạch lợi nhuận, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản.

Tuy nhiên, do đặc thù lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này thường tập trung vào các tháng cuối năm, nên các doanh nghiệp tạm thời chưa tính đến việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Một số doanh nghiệp cũng cho biết, khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh là khó, song để điều chỉnh, doah nghiệp phải gửi văn bản xin ý kiến cổ đông và không phải lúc nào cũng nhận được phản hồi đồng ý, nên đang tạm thời "treo" như kế hoạch ban đầu.

Bất ngờ
Trong khi xu hướng điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh là phổ biến thì có những doahh nghiệp gây bất ngờ cho cổ đông khi công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh từ lỗ sang lãi. Đó là trường hợp CTCP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn (VHG). Cổ phiếu VHG từng nằm trong diện bị kiểm soát và tạm ngừng giao dịch. Tuy nhiên, mới đây, công ty này đã công bố điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2013 từ lỗ sang lãi 130 tỷ đồng. Trong khi ĐHCĐ thường niên 2013 của VHG đã thông qua kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm nay chỉ là 200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận âm 20 tỷ đồng và không trả cổ tức.

Ông Trần Xuân Hiếu, Tổng giám đốc VHG cho biết, Công ty đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ, từ hoạt động kinh doanh đến đội ngũ lãnh đạo. Nằm trong hoạt động tái cơ cấu, VHG đã từng bước thanh lý tài sản và các khoản đầu tư nhằm thu hồi nguồn tiền đầu tư, tập trung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh lõi. 6 tháng đầu năm 2013, VHG đạt lợi nhuận sau thuế trên 54 tỷ đồng, đồng thời khoản lỗ lũy kế của VHG giảm từ 66,1 tỷ đồng xuống chỉ còn 11,7 tỷ đồng.

Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm, Công ty sẽ tiếp tục đạt lợi nhuận khả quan để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã điều chỉnh. Cụ thể, VHG đang đàm phán với đối tác để chuyển nhượng 60% cổ phần trong dự án trồng cao su và dự kiến thu về khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ tiếp tục thanh lý phần vốn tại 2 dự án bất động sản...

Thực tế, khi môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, việc một số doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi mức "sai số" quá lớn hoặc gần hết năm mới công bố điều chỉnh sẽ gây bức xúc cho cổ đông cũng như sự nghi ngờ về khả năng hoạch định kèm theo tầm nhìn của ban điều hành doanh nghiệp.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Sự kiện