Xuất khẩu gạo đi các nước. Ảnh; TTXVN
"Găm hàng" để xuất khẩu gạo giá cao
Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, từ 0h ngày 12.4 có 39 doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, số lượng hạn ngạch đạt 400.000 tấn theo Quyết định của Bộ Công Thương. Trong đó, có xuất hiện những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ gạo quốc gia nhưng không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng.
Nhưng khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu thì các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng ngàn tấn gạo. Đơn cử như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện tại chưa ký hợp đồng, nhưng lại đăng ký 8 tờ khai xuất khẩu gạo với số lượng 7.200 tấn. Hay Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn...
Tình hình này khiến Tổng cục Dự trữ Nhà nước đến nay mới ký hợp đồng mua gạo của doanh nghiệp trúng thầu được 7.700 tấn gạo (đạt 4% mục tiêu 190.000 tấn gạo mà Thủ tướng giao).
Nhiều chuyên gia nhận định, trong bối cảnh gạo thế giới đang tăng cao thì một số doanh nghiệp trúng thầu gạo dự trữ quốc gia thậm chí chấp nhận bị mất tiền bảo lãnh thầu, tiền phạt để bán cho doanh nghiệp thu mua xuất khẩu vẫn thu lời cao hơn.
Để giải quyết hiện tượng này, theo nhiều kiến nghị, cần công khai mức giá và đấu giá mua gạo để thương lái yên tâm bán gạo cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp ký thẳng với đơn vị này thì giá bao nhiêu cũng phải bán theo giá đã ký lúc trước. Đồng thời, trường hợp phát hiện doanh nghiệp khai báo không trung thực, Bộ Công Thương cần thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.
Phương án điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương hiện dựa trên thực tế dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cần đảm bảo tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Trước nhiều tranh luận về việc trữ gạo trong an ninh lương thực quốc gia, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho rằng, gạo dự trữ của Việt Nam đang dôi dư, nên Việt Nam có thể xuất khẩu cho những nước cần trong bối cảnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát. Cụ thể, Việt Nam có thể xuất khẩu 3 triệu tấn mà không lo thiếu hụt. Với hơn 1,5 triệu ha lúa, vụ đông xuân 2019-2020 người dân đồng bằng sông Cửu Long thu về hơn 5,5 triệu tấn gạo.
Tới thời điểm hiện tại, đã có 900.000 tấn gạo được xuất đi, còn dôi dư 4,6 triệu tấn. Theo Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, lý do chỉ cần giữ 1,5 triệu tấn gạo đã có thể đảm bảo an ninh lương thực là vì vụ hè thu đang tới gần. Vụ hè thu năm nay, ông dự đoán sẽ thu về ít nhất 4 triệu tấn gạo.
"Chỉ còn 2 tháng nữa là tới vụ hè thu (tháng 5), trong khi đó, mỗi vụ này thường sẽ thu về trên 4 triệu tấn gạo, chắc chắn năm nay không ngoại lệ. Do đó, chúng ta chỉ cần lượng gạo đủ để đảm bảo an ninh lương thực trong vòng 2 tháng (từ nay đến cuối tháng 5)”, Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết.
Lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800.000 tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5 năm 2019; giảm 35,7% so với cùng kỳ giai đoạn năm 2018 và giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2017.