Găm hàng chờ giá - bài học quý cho ngành cà phê
Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, bà con nông dân đã biết cách điều tiết nguồn cung qua việc tham khảo thông tin cung cầu, kinh tế vĩ mô, giá cả thị trường trong nước và quốc tế. Các nhà xuất khẩu thì hạn chế ký các hợp đồng giao xa để giảm thiểu những rủi ro về giá cả. Điều này đã giúp giá cà phê duy trì mức cao ngay cả khi ở thời điểm giữa vụ.
Khi người trồng cà phê và nhà xuất khẩu điều tiết được nguồn cung, giá cà phê cũng đã tuân theo quy luật của cung cầu nhiều hơn, thay vì phụ thuộc phần lớn vào đầu cơ như trước đây. Nhiều lúc, động thái của ngành cà phê nước ta còn điều khiển được cả giá trên thị trường kỳ hạn ở London và giá giao ngay tại châu Âu, vượt qua cả những tác động của biến động tiền tệ và các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu.
Hiệu quả của việc găm hàng chờ giá từ Việt Nam khá rõ ràng, các nhà xuất khẩu và nông dân trồng cà phê ở các nước sản xuất lớn như Brazil, Ấn Độ, Indonesia giờ đây cũng đi theo mô hình này.
Ở Brazil, giá cà phê arabica trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm những tháng qua do kỳ vọng nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới sẽ có vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, nông dân nơi đây đã không bán tháo ồ ạt như trước mà giữ hàng lại, chờ đợi giá lên và tìm kiếm hỗ trợ của chính phủ. Kết quả là, giá cà phê arabica từ mức thấp nhất của 2 năm, giờ đây đã hồi phục mạnh trở lại. Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội xuất khẩu cà phê Brazil, nông dân đang còn giữ gần 60% sản lượng vụ mùa 2012-2013, thay vì mức 43% như cùng kỳ vụ trước.
Tại Indonesia và Ấn Độ, không có con số cụ thể minh chứng cho hoạt động găm hàng rõ như ở Việt Nam và Brazil, nhưng các nguồn tin quan sát đều cho thấy người sản xuất cà phê đã điều tiết tốt nguồn cung giúp tăng giá sản phẩm.
Quay trở lại thị trường trong nước, niên vụ 2012-2013 vừa bắt đầu được 3 tuần, nhưng giá cà phê trong 2 tuần đầu sụt giảm khá mạnh bởi các nhà nhập khẩu và nhà đầu cơ tin tưởng sản lượng tăng cao sẽ làm cho giá rẻ. Có lúc, cà phê xuất khẩu nước ta bị trả giá trừ lùi 100 USD/tấn so với giá giao kỳ hạn trên sàn London, hàng giao tháng 11, tháng 12.
Nhiều nhà kinh doanh thậm chí kiên quyết đứng ngoài thị trường nghe ngóng, chờ đợi giá rẻ hơn để mua vào. Tuy nhiên, người sản xuất cũng nắm rõ xu hướng này. Kết quả là, ngay trong tuần vừa qua, giá cà phê đã tăng ấn tượng trở lại. Theo dữ liệu của công ty Volcafe thì mức trừ lùi cho cà phê robusta loại 2, 5% đen vỡ chỉ còn 10 USD/tấn so với giá kỳ hạn tại London.
Nguồn Cafef